Tuyển sinh 2020 nhiều trường sử dụng tổ hợp lạ xét tuyển

Nhiều trường Đại học đã sử dụng tổ hợp lạ để xét tuyển thậm chí có trường khối ngành kỹ thuật và ngành sức khỏe sử dụng cả môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân để xét tuyển.

Học sinh xem tin tức tuyển sinh 2020

Tuyển sinh 2020 nhiều trường sử dụng tổ hợp lạ xét tuyển

Cụ thể, mới đây các trường đã kết thúc thời gian nộp hồ sơ xét tuyển Đại học dựa trên điểm thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Theo thống kê sơ bộ năm nay có khoảng hơn 600.000 thí sinh xét tuyển Đại học. Trước đó theo ghi nhận từ phương án tuyển sinh đã được công bố thì nhiều trường Đại học đã đưa ra các tổ hợp lạ để thu hút thí sinh xét tuyển năm nay.

Cụ thể, trong đề án mà Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố trên website của trường, ngành Dược học và ngành Điều dưỡng tuyển cả tổ hợp Toán – Hóa – Giáo dục công dân; ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tuyển tổ hợp Toán – Sử – Địa; các ngành Công nghệ kỹ thuật cơ – điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng xét tuyển tổ hợp có môn Giáo dục công dân.

Cũng tương tự, theo đề án tuyển sinh mà trường Đại học Thành Đông ký ngày 31-5-2020, nhiều ngành kỹ thuật dùng tổ hợp xét tuyển cũng có môn khoa học xã hội. Cụ thể như ngành Công nghệ thông tin xét tuyển tổ hợp Toán – Ngữ văn – Lịch sử; ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Dược học, Y học cổ truyền đều có môn Lịch sử trong tổ hợp xét tuyển.

Hay như tại Trường Đại học Hải Phòng, có ngành Kỹ thuật công trình xây dựng, Quản trị kinh doanh cũng đưa cả môn Địa lý vào tổ hợp xét tuyển.

Tại các trường Đại học khu vực phía Nam, tình trạng lạm dụng các tổ hợp “lạ” để xét tuyển cũng xuất hiện. Chẳng hạn, Trường Đại học  Võ Trường Toản có ngành Y khoa xét tuyển tổ hợp Toán – Sinh – Văn; ngành Dược xét tuyển tổ hợp Toán – Hóa – Văn. Còn Trường Đại học Nam Cần Thơ, có ngành Kỹ thuật môi trường xét tuyển tổ hợp Văn – Hóa – Sinh.

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai có các ngành kỹ thuật và kể cả các ngành như Điều dưỡng, Kỹ thuật y học xét nghiệm cũng đưa tổ hợp các môn Địa lý, Giáo dục công dân để xét tuyển…

Thí sinh tham gia xét tuyển tại 1 trường Đại học

Phải chứng minh sự liên quan mang tính chất khoa học

Phản hồi về vấn đề sử dụng tổ hợp lạ để xét tuyển của các trường Đại học nêu trên. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Bộ GD&ĐT luôn nhắc nhở việc sử dụng các tổ hợp xét tuyển. Tại các trường Đại học, khi họp hội đồng tuyển sinh để lên phương án thông tin tuyển sinh phải chứng minh, thuyết trình tính khoa học mỗi khi sử dụng những tổ hợp mới trước hội đồng, có môn nào trong tổ hợp xét tuyển cảm thấy không phù hợp là bác bỏ ngay.

Thực tế, trong nhóm khối ngành kỹ thuật, môn Toán là môn cơ bản kèm theo đó là các môn Lý, Hóa hoặc tiếng Anh, vì giúp cho người học có đủ năng lực cần thiết để theo học trong suốt quá trình đào tạo. Còn về năng lực các môn khoa học xã hội (Văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân) cần thiết cho những ngành kỹ thuật hay không thì chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào làm rõ về vấn đề này. Do đó, những trường Đại học đưa những tổ hợp “lạ” vào xét tuyển cần phải giải trình một cách khoa học để chứng minh cho Bộ GD&ĐT và sau đó là với người học.

Còn theo, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nêu lên quan điểm khi 1 số ngành kỹ thuật sử dụng tổ hợp có thêm khoa học xã hội cho biết, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô nhưng có trường xét tổ hợp Toán – Sử – Địa thì… rất lạ. “Những năm nay, ngành này được thí sinh đăng ký rất nhiều, có trường tuyển cả 1.000 chỉ tiêu. Như vậy, chất lượng đào tạo sẽ rất thấp.

Ông Dũng cho hay, trên các hệ thống của ô tô chủ yếu dựa trên nền tảng vật lý nhưng tuyển cả môn Sử – Địa để làm gì. Nếu bất chấp tuyển sinh theo kiểu này và tuyển nhiều tôi thấy sợ quá, đào tạo kiểu gì và người học ra trường sao làm việc được”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng băn khoăn.

Đối với nhóm các ngành Y dược, đại diện Trường Cao đẳng Y dược Pasteur bà Lương Tâm Uyên – Phó Hiệu trưởng cho hay, những môn đưa vào trong tổ hợp xét tuyển luôn phải có sự liên quan đến chương trình đào tạo. Việc ngành Dược, Điều dưỡng mà có trường xét tổ hợp có cả môn Giáo dục công dân là không khả thi. Các trường cần cân nhắc để có những thay đổi.

Cũng theo số liệu của Bộ từ các năm trước, 90% thí sinh sử dụng xét tuyển bằng các tổ hợp truyền thông A,B,C,D còn 10% sử dụng các tổ hợp khác trong đó có tổ hợp lạ. Thí sinh trúng tuyển bằng các tổ hợp truyền thống cũng là đa số. Do đó học sinh cũng nên tham khảo khi đăng ký hoặc điều chỉnh cho lần điều chỉnh nguyện vọng sắp tới.

Tổng hợp tin tức giáo dục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *