Nghị luận văn học luôn là một học phần khó và rất dễ bị “đánh lừa”. Vậy các sĩ tử chuẩn bị bước vào Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 nên làm gì, ôn luyện thế nào để có được điểm trọn vẹn?
- Ôn thi THPT quốc gia 2020: Tổng hợp 400 câu trắc nghiệm Tiếng Anh
- Top 5 ngoại ngữ cần thiết sinh viên nên học
- Đề cương ôn tập môn Văn lớp 12 học kỳ 1 năm học 2019 – 2020
Làm sao để đạt được điểm cao phần Nghị luận Văn học?
Để làm tốt câu nghị luận văn học trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, ngoài kiến thức đã học, các bạn thí sinh cần nắm phương pháp làm bài. Cụ thể như sau:
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Bài làm có đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đây là khâu quan trọng trong quá trình làm bài, nếu các bạn không xác định được vấn đề nghị luận sẽ làm cho bài viết lan man không có trọng tâm, thiếu ý hoặc xa đề, lạc đề.
Ngoài ra, các bạn thí sinh cần triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, đồng thời vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng. Trên thực tế, phần nghị luận văn học đòi hỏi phải nắm kiến thức văn học trong 3 năm học THPT để viết một bài văn dài, trình bày theo kết cấu nêu ở trên, nhưng để làm được bài cần phải đọc kỹ đề, nắm được yêu cầu đề đặt ra, tìm ý cần làm, tránh trường hợp đọc qua loa hiểu sai đề. Tuy nhiên ở phần này có 2 dạng bài thường gặp, đó là nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi và trong hai năm gần đây thường gặp các dạng đề so sánh như: so sánh hai chi tiết; cảm nhận hai nhân vật; cảm nhận hai đoạn thơ, hai đoạn văn; so sánh, cảm nhận hai ý kiến. Ví dụ đề bài: Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) hoặc so sánh cách kết thúc Vợ nhặt với cách kết thúc truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao)…..
Với dạng đề này các thí sinh có thể triển khai và làm rõ các ý như: giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận; phân tích những biểu hiện cụ thể của giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm; so sánh với cách kết thúc tác phẩm; lý giải nguyên nhân tạo nên sự khác nhau trong cách kết thúc và có sự đánh giá chung. Ngoài ra để tránh thiếu ý các thí sinh nên lập một sơ đồ “hình cây” từ đó xuyên suốt tác phẩm, ý nào cần nhấn mạnh, ý nào không cần nhấn mạnh.
Các tác phẩm văn học thường gặp trong đề thi THPT Quốc gia năm 2020
Đứng trước kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời các sĩ tử thường lo lắng không biết những tác phẩm nào nên chú ý học nhiều hơn? Kết quả dưới đây được ban tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dựa vào việc khảo sát 36 đề thi đã qua, bao gồm các đề tốt nghiệp từ 2008 đến 2014, đề đại học hai khối C và D từ 2002 đến 2014, đề THPT quốc gia từ 2015 đến 2017 sẽ phần nào giải đáp thắc mắc của bạn.
Dựa theo sự chọn lọc, loại bỏ đề thi từ các năm trước thì một số tác phẩm được dự đoán sẽ có khả năng thi nhiều hơn đó là các tác phẩm: Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Tràng Giang, Người lái đồ sông Đà, Tây tiến, Việt Bắc, Hai đứa trẻ, Chí phèo,…
Ngoài các tác phẩm được liệt kê trên thì các tác phẩm như: Rừng xà nu, Đàn ghi ta của Lorca và Vội vàng, Tuyên ngôn Độc lập, Chiều tối, Vũ Như Tô và Hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng là những tác phẩm mà các thí sinh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên đây chỉ là những gợi ý để các sĩ tử có thể tham khảo, các bạn nên chú ý hơn nhưng không được học tủ mà tránh các tác phẩm khác hay các tác phẩm đã rơi vào các năm trước. Bởi trên thực tế đã có trường hợp 2 năm liên tiếp đề thi có chi tiết của cùng một tác phẩm ở dạng so sánh.
Hy vọng với những chia sẻ của giảng viên Trường THPT Sài Gòn giúp cho các thí sinh chủ động cũng như có thêm kinh nghiệm để ôn thi môn Văn hiệu quả.
Nguồn: thptquocgia.org