Quy chế tuyển sinh năm 2016 tăng cường tính tự chủ của các Trường?

Quy chế tuyển sinh năm 2016 đã tăng cường tính tự chủ trong tuyển sinh của các trường, theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm nay nhiều trường đã tự đưa ra những phương án tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện của từng Trường.

ky-thi-thpt-quoc-gia-2016-4

Kì thi THPT Quốc gia 2016 nhiều Trường tự chủ phương án tuyển sinh

Đa dạng phương thức tuyển sinh tại các Trường Cao đẳng, Đại học trên toàn Quốc

Theo đó, các trường thực hiện phương án tuyển sinh riêng xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế hiện hành. Bộ GD-ĐT chỉ quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Hầu hết các trường địa phương, trường dân lập vẫn dành chỉ tiêu nhất định từ 30-70% dựa trên kết quả học tập THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều kiện xét tuyển theo phương thức này là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có điểm trung bình môn từ 6 điểm với hệ Đại học (Đại học), từ 5 điểm với hệ cao đẳng (CĐ). Ngoài ra, nhiều trường công lập cũng thực hiện phương án tuyển sinh dựa vào kết quả học tập THPT như Đại học Huế, Đại học Hàng hải…

Đáng chú ý, Đại học FPT xét tuyển không dựa vào điểm thi THPT quốc gia mà kết hợp giữa xét tuyển dựa trên điểm trung bình cộng 3 môn thuộc khối xét tuyển ở 5 học kỳ và kiểm tra năng lực đầu vào của thí sinh căn cứ vào các ngành do trường đào tạo.

Trong khi đó, Đại học Luật TP.HCM thực hiện xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, kết quả kỳ thi THPT quốc gia và bài thi kiểm tra đánh giá năng lực. Trường chỉ xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực, trong đó điểm học bạ của 3 môn đăng ký xét tuyển chiếm tỷ trọng 20% và kết quả thi THPT quốc gia chiếm tỷ trọng 60%. Những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển mới được trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra năng lực với điểm đánh giá chiếm tỷ trọng 20%. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với thí sinh có tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.

Tiếp nối những thành công mùa tuyển sinh năm 2015, năm nay Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức, đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kết quả này với một số trường Đại học, CĐ có nhu cầu.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, kỳ thi Đánh giá năng lực được tổ chức thành 2 đợt nên thí sinh vừa có thể dự kỳ thi và tham gia kỳ thi THPT quốc gia, từ đó, tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường. Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ thi đã tăng quyền tự chủ trong tuyển sinh của nhà trường, từ đó lựa chọn đầu vào có chất lượng và tránh được lượng thí sinh ảo. Tuy phương án tuyển sinh này được đánh giá cao nhưng chỉ khắc phục được những hạn chế trong tuyển sinh cho những trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

ky-thi-thpt-quoc-gia-2016

Quy chế tuyển sinh năm 2016 tăng cường tính tự chủ của các Trường?

Tuyển sinh theo nhóm được đánh giá cao tại các Trường Cao đẳng, Đại học.

Điểm đáng chú ý trong mùa tuyển sinh năm 2016 là Đề án tuyển sinh theo nhóm của các trường Đại học và hiện đã có nhiều trường tham gia vào Đề án tuyển sinh này. Như Đề án tuyển sinh của 10 trường Đại học thuộc khu vực Hà Nội do trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Theo đó, các trường trong nhóm sẽ sử dụng chung một phần mềm quản lý dữ liệu đăng ký xét tuyển và xét tuyển do trường Đại học Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý và thống nhất sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Với Đề án tuyển sinh theo nhóm, thí sinh sẽ dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào nhóm trường. Nhận định về Đề án tuyển sinh theo nhóm, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: Năm nay, quy chế sửa đổi quy định mỗi thí sinh được đăng ký 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Việc tăng số trường đăng ký có lợi cho thí sinh, giúp các em chọn ngành dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phương án mới sẽ có khó khăn trong việc xác định thí sinh “ảo” vì nhiều khả năng thí sinh trúng tuyển vào 2 trường nhưng không biết thí sinh sẽ học trường nào. Do đó, việc tuyển sinh theo nhóm sẽ giảm được tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo vì khi đăng ký cùng một hệ thống có thể biết thông tin thí sinh trúng tuyển vào trường nào với nguyện vọng được xếp theo thứ tự.

Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Phương thức tuyển sinh được xây dựng trên tinh thần tuân thủ chặt chẽ Quy chế tuyển sinh Đại học, CĐ hệ chính quy năm 2016, đề cao trách nhiệm của tất cả các trường đối với thí sinh và xã hội.

Lý giải nguyên nhân thực hiện Đề án tuyển sinh theo nhóm ông Tớp cho biết: Phương thức xét tuyển chung theo nhóm trường là một giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trúng tuyển “ảo” cho các trường tham gia. Đồng thời, phương thức này tạo thêm cơ hội lựa chọn nguyện vọng của thí sinh, không làm giảm quyền lợi của thí sinh khi đăng ký xét tuyển và không gây ra sự phức tạp và tốn kém cho thí sinh. Phương thức tuyển sinh này vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các trường trong việc phân định và xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành, quy định điều kiện được đăng ký xét tuyển vào trường…

Cho tới thời điểm hiện tại, Đề án tuyển sinh theo nhóm được các trường đánh giá cao vì khắc phục được những hạn chế của mùa tuyển sinh năm 2016. Đồng thời, liên kết được các trường tham gia chia sẻ thông tin của thí sinh. Tuy nhiên, thành công của Đề án vẫn còn ở phía trước, xã hội sẽ theo dõi và đánh giá về phương án tuyển sinh này.

Trích nguồn : Báo Hải Quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *