Chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kỳ thi thpt quốc gia 2017 và cũng là lấy điểm để xét tuyển vào các trường Đại học – Cao đẳng. Trong đó Ngữ Văn là 1 trong những môn dùng để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào nhiều trường Đại học.
- Tuyển sinh Cao đẳng Điều dưỡng Hà Nội năm 2017
- Hai chú ý quan trọng để hoàn thành tốt đề thi Ngữ Văn
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn mới cập nhật của Hà Nội năm 2017
Những điều cần tránh lan man trong đề thi Ngữ văn thpt quốc gia
Vậy làm thế nào để tránh lan man mất điểm trong đề thi Ngữ Văn thpt quốc gia sắp tới. Cũng như đạt được điểm trung bình cho thí sinh công nhận tốt nghiệp và khá giỏi cho thí sinh xét vào các trường Đại học – Cao đẳng? Không có một công thức chung nhưng những lưu ý dưới đây sẽ giúp sinh viên tránh phải tham gia thêm 1 kỳ thi nữa mới đủ điểm xét vào Đại học.
Những điều cần tránh lan man trong đề thi Ngữ văn thpt quốc gia.
Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề tham khảo cho tất cả các môn thi tốt nghiệp năm nay.
Đây là điều cần thiết, đáp ứng sự ngóng chờ bấy lâu của thầy và trò, góp phần giải tỏa nỗi âu lo của những ai quan tâm đến ngành giáo dục trước một kỳ thi hứa hẹn sẽ khác biệt rất nhiều so với trước đây.
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia sắp tới, Ngữ văn là môn duy nhất có đề thi tự luận. Đọc đề tham khảo, có thể nhận ra những thay đổi cần thiết nhằm giảm bớt nặng nề cho thí sinh.
Chẳng hạn, phần Đọc hiểu, ngữ liệu chỉ còn một văn bản, thay vì hai văn bản khá rườm rà như vài năm trước.
Những câu hỏi trong phần này cũng đỡ manh mún, đúng với bản chất của đọc hiểu hơn.
Nếu trước đây, câu nghị luận xã hội trong phần Làm văn yêu cầu giải quyết một vấn đề độc lập, không liên quan gì tới câu Đọc hiểu, thì ở đề tham khảo lần này, thí sinh phải triển khai nội dung trọng tâm trong văn bản đọc hiểu thành một bài nghị luận hoàn chỉnh.
Nhờ đó mà đề trở nên gọn hơn. Chắc chắn mẫu câu hỏi đọc hiểu và cách ra đề nghị luận xã hội này sẽ được giáo viên ráo riết mô phỏng để luyện cho học sinh trong thời gian ít ỏi còn lại, với hy vọng những đề ôn tập có cơ may tiệm cận với đề chính thức của Bộ.
Tuy nhiên, câu 2 của phần Làm văn (nghị luận văn học) chiếm một nửa tổng số điểm của bài thi (5,0 điểm) lại gây không ít băn khoăn. Nguyên câu này như sau:
“Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Tràng là gã quê nông nổi, liều lĩnh. Lại có ý kiến nhấn mạnh: Đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng.
Bằng cảm nhận của mình về nhân vật Tràng, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên”.
Nhìn vào, ta thấy cách diễn đạt sáng sủa, vấn đề cần nghị luận cụ thể, rõ ràng. Đây là kiểu đề tránh áp đặt, có thể dung nạp nhiều hướng suy nghĩ, nhiều cách lý giải, bình luận khác nhau.
Thế nhưng đọc kỹ, ta sẽ thấy đề này bộc lộ những điểm bất ổn, không thể chấp nhận.
Điểm bất ổn thứ nhất nằm ở hai vế: “Có ý kiến cho rằng”; “Lại có ý kiến nhấn mạnh”.
Thời này là thời nào mà một đề Ngữ văn dành cho kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng tú tài lại đưa ra những ý kiến vu vơ, không có xuất xứ như vậy?
Từ trước đến nay, loại đề nêu ý kiến “nặc danh” kiểu này không hiếm, nhưng ít ai lên tiếng về tác hại của nó.
Đừng nghĩ rằng cái nguyên tắc tối thiếu trong khoa học: khi nêu một luận điểm, lập tức phải nói rõ luận điểm đó của ai, trích dẫn từ đâu lại là điều xa xỉ với học sinh phổ thông.
Đừng nghĩ rằng, ra đề Ngữ văn, điều cốt yếu là ở việc chọn được vấn đề hay, có khả năng khơi gợi chứ không nằm ở sự tuân thủ những nguyên tắc vừa nêu.
Một đề thi toàn quốc dành cho học sinh đã hết bậc trung học phổ thông phải là chuyện khoa học nghiêm túc. Chính tác hại rất lớn ẩn tàng ở việc bỏ qua những chi tiết tưởng nhỏ.
Nó tập nhiễm học sinh một thói tùy tiện, khiến các em không còn ý niệm sơ đẳng về trách nhiệm khi phát ngôn cũng như vấn đề quyền sở hữu đối với mọi sản phẩm trí tuệ.
Cái mô thức “có ý kiến cho rằng” đã vẽ đường cho các em xài một cách vô tội vạ những quan điểm của người khác, chẳng khác gì xộc vào một kho vô chủ.
Ở phía khác, nhiều khi phát ngôn những điều vớ vẩn, hoặc muốn “ném đá” ai đó trong đời sống cũng như trong khoa học, cứ gán cho “có ý kiến cho rằng” là phủi tay, vô can.
Hiện nay, tình trạng nhập nhèm trong các luận văn, luận án đã là điều đáng báo động.
Thật khó phân định trong những “công trình” ấy, đâu là kiến giải riêng của tác giả, đâu là tập hợp mớ ý kiến của người khác mà không thèm ghi chú.
Từ chỗ làm một bài văn bàn về ý kiến “ai đó cho rằng” ở phổ thông đến viết một luận văn sau đại học bằng cách “chôm chỉa”, khoảng cách chẳng có bao xa.
Điểm bất ổn thứ hai – hệ quả của sự bất ổn thứ nhất – là ở sự đối lập giả tạo hai ý kiến. Vì muốn đưa ra hai quan điểm trái chiều để kích thích tư duy của học sinh, nên phải dựng nên dạng đề như vậy chăng?
Nhưng, những ý kiến trái ngược kiểu ấy không tìm đâu ra, nên người ra đề phải tự nghĩ lấy và gán cho một kẻ vô danh nào đó.
Quả là bói không ra thật, vì từ khi tác phẩm “Vợ nhặt” có mặt trong chương trình trung học phổ thông đến nay, ngay cả đến học sinh vùng sâu, vùng xa, chắc cũng chẳng em nào ngớ ngẩn đến mức gọi Tràng là “gã quê nông nổi, liều lĩnh”.
Cùng lắm thì chỉ viết: “bề ngoài, Tràng có vẻ nông nổi, liều lĩnh, nhưng thực chất đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng”.
Viết thế còn chịu được, dù đó là điều chẳng có gì hay ho. Một “ý kiến” sai lạc đối lập giả tạo với một “ý kiến” tầm thường quả là chuyện không đáng để học sinh cuối cấp trung học phổ thông cả nước phải mất công bình luận.
Kiểu đề trên đây ảnh hưởng không tốt đến cách tư duy và cảm thụ văn chương của thầy và trò.
Chỉ riêng về thầy, đề văn tham khảo của Bộ đã tạo ra một hiệu ứng và chắc chắn đó không phải là hiệu ứng tích cực.
Từ khi có đề Ngữ văn tham khảo đến nay, giáo viên cả nước đua nhau mô phỏng, bắt chước kiểu tư duy “nhị nguyên”, cố nghĩ ra những cặp nhận định trái ngược về một nhân vật, một vấn đề hoặc một bài thơ nào đó.
Người viết bài này nhận được không ít thư của anh chị em giáo viên Ngữ văn trung học phổ thông yêu cầu góp ý đề họ tự nghĩ ra để “tủ” cho học sinh.
Nào là: “Có ý kiến cho rằng, ông lái đò sông Đà (trong “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân) chỉ vì mưu sinh bằng việc chèo thuyền chở hàng trên sông sâu thác dữ mà trở nên thuần thục trong nghề sông nước.
Lại có ý kiến nhấn mạnh: ông lái đò làm công việc hiểm nguy đó bằng tất cả niềm đam mê của mình. Anh/chị hãy bình luận hai ý kiến trên”.
Nào là:
“Có ý kiến cho rằng: “Sóng” của Xuân Quỳnh là bản tự thuật của một phụ nữ khao khát tình yêu.
Ý kiến khác lại khẳng định “Sóng” là câu chuyện tình yêu của phụ nữ được nói lên bằng cảm xúc của một trái tim nhạy cảm, đắm say. Anh/chị suy nghĩ gì về hai ý kiến trên?”
Rồi nữa: “Có ý kiến cho rằng: Mỵ (trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài) điển hình cho người phụ nữ bị chà đạp dưới chế độ phong kiến miền núi.
Ngược lại, có ý kiến nhấn mạnh: Mỵ tiêu biểu cho người phụ nữ tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Quan điểm của anh/chị?”
Thôi thì hằng hà sa số. Bên cạnh những đề có vẻ “sạch nước cản” vừa nêu, có vô số đề rất ngộ, rất ngây ngô mà tôi không tiện nêu ra ở đây.
“Thủ thuật” phổ biến được dùng để “chế tác” kiểu đề này là ngắt đôi hai vế của một câu vốn có quan hệ chặt chẽ, đặt chúng vào thế đối chọi nhau để bắt học sinh vắt óc ra mà bình luận, mà khẳng định bên đúng, bên sai.
Sự méo mó về tư duy của người học là hậu quả không thể tránh.
Vẫn biết việc ra đề Ngữ văn trong tình hình hiện nay là chuyện không hề dễ dàng.
Làm sao để có được những đề mở thú vị, có khả năng đánh giá được nhiều mặt năng lực của học sinh, làm sao tránh nhàm lặp nhưng cũng không rơi vào tình trạng “câu hỏi của nhân sư”… đó đều là những thử thách không nhỏ.
Tìm tòi cách hỏi mới trong đề đương nhiên là rất cần thiết, nhưng đào thải những sai lạc của đề cũng cần thiết không kém.
Tôi trình bày ý kiến của bản thân về đề Ngữ văn tham khảo bằng tất cả sự chân thành và kỳ vọng. Câu bất ổn trong đề dù sao cũng mới chỉ là “tình huống giả định”.
Tiếc rằng, cái “tình huống giả định” ấy lại là “điển mẫu”, là “khuôn vàng thước ngọc” đối với số đông giáo viên phổ thông, do vậy, sự sai lạc khi ôn tập đã lan nhanh đến mức không thể kiểm soát.
Mong sao đề Ngữ văn chính thức sắp tới sẽ không phải là những ý kiến “nặc danh” và những “giả vấn đề” làm khó cho học sinh và gây ảnh hưởng không tốt đối với việc dạy học bộ môn.
(Nguồn: thptquocgia.org)