Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 thì phổ điểm môn Ngoại ngữ được quan tâm nhất của báo chí và dư luận. Liệu đề thi quá khó, quá dài? Hay cấu trúc đề thay đổi?
- Thủ khoa khối A chưa từng dùng Facebook
- Vì sao thí sinh điểm 10 tiếng Anh không xét tuyển Đại học?
- Những điều cần biết về giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia
- Những con số tổng kết kỳ thi THPT Quốc gia 2016
- Thí sinh tại Nam Định đạt điểm cao nhất kỳ thi THPT Quốc gia 2016
TS. Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) nói gì về đề thi ngoại ngữ
Thưa TS. Đỗ Tuấn Minh, ông đánh giá như thế nào về cấu trúc đề thi môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay?
TS. Đỗ Tuấn Minh: Nhìn chung, cấu trúc đề thi môn tiếng Anh năm 2016 không thay đổi nhiều so với cấu trúc đề thi năm 2015 – năm đầu tiên áp dụng kỳ thi 2 trong 1.
Các dạng câu hỏi được giữ nguyên như đề thi 2015. Do vậy, cấu trúc này đã khá quen thuộc với học sinh và đã được áp dụng trong các chương trình dạy, học, kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ nói chung.
So với các đề thi tốt nghiệp THPT trước năm 2015 (thời điểm có 2 loại đề thi riêng biệt cho thi tốt nghiệp THPT và thi đầu vào đại học), thì đề thi 2016 và 2015 được bổ sung phần thi về kỹ năng nói (theo kiểu gián tiếp) và nâng tính giao tiếp nhiều hơn, thể hiện ở việc thêm các câu hỏi về trọng âm trong từ và câu hỏi về hội thoại.
Đề thi 2016 và 2015 cũng được bổ sung phần viết lại câu nên đánh giá nhiều hơn về khả năng viết và sử dụng ngoại ngữ trong cấp độ câu và văn bản.
Trước đây, đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng ở cấp độ dưới câu (từ và ngữ). Đề thi 2016 và 2015 cũng tăng số lượng bài kiểm tra kỹ năng đọc cấp độ văn bản, thể hiện là 2 bài đọc hiểu khá dài (so với 1 bài ở đề thi trước đây), cộng với 1 bài điền từ vào văn bản.
– Như vậy, đây là năm thứ hai cấu trúc đề thi môn Ngoại ngữ có sự thay đổi căn bản về những kiến thức, kỹ năng được đánh giá. Theo ông, sự thay đổi này có mang tính tích cực?
Xét về lý thuyết năng lực ngoại ngữ và kiểm tra đánh giá, thì những thay đổi này là tích cực, hướng tới việc đánh giá toàn diện các kỹ năng sử dụng ngoại ngữ hơn các đề thi trước đây.
Thực tế nếu nói đánh giá toàn diện thì phải kiểm tra đủ các kỹ năng.
Tuy nhiên, điều này cần một thời gian nữa. Mặc dầu vậy, có lẽ những đổi mới này trong kiểm tra đánh giá phần nào chưa song hành với những thay đổi trong việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng ở phổ thông.
Nói cách khác, chương trình dạy và học có thể chưa chuyển dịch theo hướng phát triển các kỹ năng được đổi mới đánh giá theo hướng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ ở cấp độ văn bản như vậy.
Đây có thể là một trong những lý do khiến phổ điểm của đề thi năm 2015, và cả 2016 tiếp tục lệch trái với đa số học sinh có mức điểm dưới trung bình như hiện nay.
– Cụ thể hơn, ông đánh giá về chủ đề, chủ điểm và nội dung các câu hỏi của đề thi năm nay như thế nào?
Các câu hỏi thi có nội dung, chủ đề, chủ điểm khá bao quát, quen thuộc. 2 bài đọc và bài điền từ thuộc 3 lĩnh vực khác nhau về giáo dục, cá nhân và cộng đồng trong Khung tham chiếu Chung Châu Âu về ngôn ngữ. Các lựa chọn này là phù hợp với đối tượng đánh giá là học sinh trung học phổ thông.
Một số câu hỏi có nội dung về các vấn đề thời sự, được giới trẻ quan tâm như chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama, vấn đề về an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu và thiên tai hoặc kỹ năng sống.
Từ vựng trong các bài đọc của đề thi năm nay có tỉ lệ độ khó cao hơn so với năm 2015.
Điều này tạo nên khó khăn lớn cho thí sinh khi đọc mà “không hiểu” vì có nhiều từ mà họ không biết hoặc không rõ nghĩa trong ngữ cảnh của các từ đó.
– Khi điểm thi môn Ngoại ngữ được công bố, nhiều ý kiến cho rằng, điểm thi năm nay thấp là do đề thi khó. Ông có nhận xét gì về độ khó của đề thi năm nay?
Đánh giá cụ thể về độ khó thì cần chạy số liệu kết quả của kỳ thi sẽ cho thông tin về mức độ khó dễ của từng tiểu mục đề thi.
Những đánh giá sau đây chỉ thuần tuý trên phương diện xem xét đề một cách khái quát. Trật tự các phần thi đánh giá kỹ năng đọc ít hợp lý hơn so với đề 2015, với bài đọc có độ khó hơn bài điền từ được đưa lên trước. Nên sắp xếp bài điền từ lên trước thì hợp lý hơn.
Xét về độ khó trong từng phần thi, tức là đánh giá về các mảng kiến thức, kỹ năng chung, thì các cấp độ khó dễ chưa rõ ràng.
Điều này có nghĩa là nếu thí sinh có năng lực không đồng đều ở một số mảng kiến thức, kỹ năng thì sẽ có thể có lợi thế (hoặc bất lợi) nếu làm các phần thi đánh giá chuyên sâu về mảng kiến thức, kỹ năng mình mạnh hơn (hoặc yếu hơn) đó.
Điều này có nghĩa là việc chuẩn bị một ma trận các kiến thức kỹ năng được đánh giá trong đề thi, với các đặc tính kỹ thuật cụ thể cần được chuẩn bị một cách tổng thể và kỹ càng hơn, từ trước khi các đề thi được xây dựng.
– Với đề thi năm nay, theo ông thời gian 90 phút có đảm bảo để các thí sinh làm bài?
Thời gian 90 phút cho đề thi năm nay theo tôi không nhiều thí sinh có thể làm trọn vẹn.
Đề thi gồm 64 câu trắc nghiệm, với 2 bài đọc và 1 bài điền từ, theo thông lệ của các bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế thì khoảng 1-1,25 phút/câu hỏi trắc nghiệm như vậy.
Hơn nữa, đề bao gồm 5 câu yêu cầu thí sinh viết lại câu đầy đủ và 1 bài luận 140 từ. Thời lượng cho định dạng này sẽ tốt hơn cho thí sinh nếu là 100-105 phút: 75-80 phút cho 64 MCQs, 1,5-2,0 phút cho mỗi câu viết lại câu, và 15-20 phút cho đoạn văn 140 từ.
Nếu đề thi dành cho đánh giá học sinh giỏi, năng khiếu, hay đề thi để tuyển sinh vào đại học thôi thì thời gian hạn chế có thể giúp phân loại thí sinh tốt hơn.
Nhưng đối với đề thi tốt nghiệp như hiện nay, thì thời lượng không đủ khiến học sinh không có điều kiện để thể hiện hết năng lực của mình. Thực tế nhiều thí sinh bị 0 điểm phần tự luận và đa số bỏ trắng bài viết đoạn văn là minh chứng cho điều này.
– Đề thi 2 trong 1 luôn cần hướng tới sự phân hóa tốt, ông có nhận xét gì về tính phân hóa của đề thi môn Ngoại ngữ năm nay?
Đề thi 2016 có khả năng phân hoá trong nội bộ nhóm học sinh khá giỏi tốt hơn đề thi năm 2015.
Một mặt, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học xét tuyển đầu vào.
Mặt khác, sự phân hoá này vẫn cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai.
Tôi chia sẻ khó khăn của bộ phận chịu trách nhiệm về đề thi khi họ cần tạo sự cân đối nhất định trong việc đảm bảo một đề thi tiếng Anh có cả hai chức năng.
Thứ nhất, đề thi dành cho đại trà học sinh trong một bối cảnh là việc dạy và học môn tiếng Anh ở phổ thông mặc dù đã được đầu tư nhiều và cũng đã có nhiều cố gắng của cả thầy và trò nhưng cũng còn nhiều khó khăn.
Thứ hai, đề thi dành cho việc xét tuyển vào đại học và cao đẳng khi mà càng ngày các trường đại học, cao đẳng càng dành nhiều quan tâm cho các tổ hợp điểm có điểm môn tiếng Anh trong đó.
Theo cảm nhận của tôi, dường như, đề thi môn tiếng Anh năm nay làm tốt chức năng 2 hơn là chức năng 1.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam chưa tốt nên điểm thi tiếng Anh thấp hơn điểm các môn khác cũng là điều dễ hiểu.
Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới theo tôi là quyết định sáng suốt.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ GD-ĐT)