Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn của Bắc Giang vừa được đưa ra thảo luận trên một diễn đàn văn học đã thu hút hàng nghìn bình luận của giáo viên và học sinh.
- Đề thi “đuổi hình bắt chữ” thi quốc gia gây tranh cãi
- Nắm chặt “chính sách” trong kỳ thi thpt quốc gia năm 2018
- “Cao thủ học” 10 tuổi đậu Đại học danh tiếng
Theo thông tin trên đề, đây là đề thi để chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT Bắc Giang. Bài thi vừa được tổ chức vào ngày 17/9 với thời lượng 180 phút cho 2 câu hỏi.
Đề thi học sinh giỏi văn độc đáo của Bắc Giang
Câu 1 (8 điểm) là câu hỏi khá lạ và khiến nhiều người bối rối.
Đề bài yêu cầu: “Hãy viết bài văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh trên”. Phía trên yêu cầu này là một bức ảnh vẽ một chiếc thuyền giấy có chằng buộc phía dưới một bóng điện sáng.
Đề thi học sinh giỏi môn Văn độc đáo của Bắc Giang gây tranh cãi
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết, đề thi tuyển chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay được giao cho Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang phụ trách ra đề và tổ chức.
Liên hệ với trường này, cô giáo Phạm Thị Thanh Bình – tổ trưởng tổ Ngữ văn, cũng là một trong những thành viên của tổ ra đề – cho biết đây đúng là đề thi để tuyển chọn ra đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của tỉnh Bắc Giang.
Cô Bình cho biết, đây là “dạng đề mở” – mở ở cả việc để cho học sinh lựa chọn nội dung bàn luận và mở cả ở việc lựa chọn phạm vi tư liệu, dẫn chứng trong đời sống, trong văn học, và nhiều lĩnh vực khác để đưa vào bài viết của mình.
“Mong muốn và mục đích của những người ra đề là muốn học sinh có khả năng quan sát, phân tích, kết nối chi tiết để tìm ra vấn đề có giá trị nhất, gắn với đời sống thực tiễn xã hội để bàn luận”.
Cô Bình chia sẻ, khi quyết định ra đề bài này, tổ ra đề cũng đã lường trước được việc sẽ gây khó khăn cho người chấm.
Mặc dù, trong đáp án của đề thi cũng có đề xuất một số hướng giải quyết đề bài, tuy nhiên “chúng tôi xác định nếu đã là đề mở thì đáp án cũng phải mở. Chúng tôi đã trao đổi với các giáo viên chấm bài rằng, khi có những ý tưởng hoàn toàn mới, không hề trùng khớp với đáp án nhưng nếu học sinh lập luận logic chặt chẽ, có dẫn chứng thỏa đáng thì vẫn chấp nhận câu trả lời của các em. Mục đích hướng đến của chúng tôi là học sinh có khả năng tư duy, lập luận vấn đề, có khả năng liên tưởng một hình ảnh với thực tiễn xã hội”.
Được biết, kỳ thi này có 25 em tham gia và sẽ chọn ra 10 em vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay của tỉnh Bắc Giang.
Nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh đề thi
Ngay sau khi đề thi được đăng tải, có không ít thầy cô trong nghề ngạc nhiên, ủng hộ lẫn phản đối về sự “cách tân” này.
Các ý kiến phản đối cho rằng, đề thi đã lạm dụng “kênh hình ảnh” không cần thiết. Có người so sánh đề thi như trò chơi “đuổi hình bắt chữ”.
Trao đổi với VietNamNet, một giảng viên sư phạm cho hay: “Vì photocopy nên dữ liệu gốc bị tẩy sạch, rất khó cho học sinh và cả những người có chuyên môn bàn luận. Về nguyên tắc, khi bàn về một tác phẩm hội họa hay nhiếp ảnh, người ta phải được xem bản gốc. Ý tưởng trong tranh hay ảnh chụp không phải như trong văn chương, nó toát ra từ bố cục, đường nét, màu sắc”.
Nhiều ý kiến xoay quanh đề thi học sinh giỏi văn của Bắc Giang
Cô Lê Thị Ngoan, giảng viên khoa Cao đẳng Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cũng cho hay: Bản thân tôi cũng chưa hiểu được hết dụng ý của người ra đề. Đề mở khác với đề mơ hồ, nếu đưa ra một bức tranh có tính khơi gợi thì sẽ có giá trị văn chương.
Còn ở phía người đọc, nhiều giả thuyết khác nhau cũng được đưa ra cho bức ảnh.
Trong số gần 1.000 lượt bình luận có những ý tưởng khá phong phú.
Bạn La Bá Hiền lập luận:
“Theo mình nghĩ, bức hình này là mô phỏng cho thực trạng xã hội hiện nay. Con thuyền phía trên đại diện cho sản phẩm được tạo ra cho mọi người sử dụng (con thuyền tương đương với sự di chuyển), bóng đèn đại diện cho sự sáng tạo, nghiên cứu, những nhà sản xuất. Hằng ngày, chúng ta đã sử dụng những công cụ rất hữu dụng được tạo ra như: xe máy, laptop, TV, máy bay, máy cày, máy xay… nhưng chúng ta đâu biết rằng để có được những thứ đó thì phải cần một quá trình miệt mài, chăm chỉ của những chất xám sáng tạo. Một sản phẩm tạo ra, cung cầu luôn song song, nhưng chúng ta liệu có quan tâm “cung” là ai?”, “cung” như thế nào?” hay chỉ bỏ tiền ra mua một sản phẩm, lên mạng nghe một bài nhạc du dương mà không biết tác giả là ai? Bóng đèn – những người sáng tạo thầm lặng ấy, nếu không có họ thì xã hội này không phát triển, đó là sự ràng buộc nhất định (sợi dây buộc chặt giữa chiếc thuyền và bóng đèn). Muốn xã hội phát triển thì phải cần sự sáng tạo, nhưng để sáng tạo này phát huy một cách tốt nhất thì chúng ta phải quan tâm họ, phải biết được những gì họ đang làm và đang cống hiến”.
Nhìn ở một góc độ khác, bạn Nguyễn Đức Cường cho rằng thông điệp của bức ảnh này như sau:
“Con người ai cũng có ưu nhược điểm, khả năng tiềm ẩn, óc sáng tạo, tài năng… Khi chúng ta cứ sống mãi ở mức an toàn, cứ bám mãi vào cái phao, không dám liều lĩnh, không dám đối mặt với thử thách thì mãi mãi chúng ta sẽ không bao giờ thấy được bản lĩnh, khả năng tiềm ẩn, ánh sáng của bản thân. Ánh sáng đó sẽ mãi lấp dưới cái bóng an phận của ta và chẳng thể nào sáng lên được”.
Nguồn: Vietnamnet.
Xét tuyển văn bằng 2 Cao đẳng Dược Hà Nội.