Sinh viên năm nhất đi xe buýt cần lưu ý những gì?

Xe buýt là một phương tiện khá phổ biến ở các thành phố lớn với giá cả vô cùng thích hợp để các bạn sinh viên có thể di chuyển nội thành. Thế nhưng, đối với các bạn sinh viên năm nhất thì cần phải lưu ý một số đặc điểm để tránh bỡ ngỡ khi lưu thông trên xe buýt.

Sinh viên năm nhất đi xe buýt cần lưu ý những gì?

Sinh viên năm nhất đi xe buýt cần lưu ý những gì?

Khi bước chân lên hệ Cao đẳng hay Đại học, nhiều bạn mới bắt đầu học những trường ở xa nhà và để tiết kiệm phí xăng, nhiều bạn bắt đầu chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển. Lần đầu sử dụng loại phương tiện công cộng này hoàn toàn chẳng có gì phải đáng ngại ngùng cả. Cái bạn cần lo là hãy lướt qua những lưu ý dưới đây để khi sử dụng sẽ không cảm thấy lúng túng. Với những bạn thường xuyên sử dụng thì cũng có một số cách để tiết kiệm chi phí hơn, hoặc hạn chế việc gặp tai nạn ở trên phương tiện này.

Thẻ sinh viên tạm thời có thể không được chấp nhận

Là học sinh, sinh viên đồng nghĩa cới việc bạn có “đặc quyền” được đi xe buýt với giá rẻ. Khi mới nhập học nhà trường chỉ cấp cho bạn thẻ sinh viên tạm thời, còn thẻ sinh viên chính thức ít nhất phải hai tháng sau bạn mới được cầm trên tay. Tuy nhiên, không phải lúc nào thẻ sinh viên tạm thời cũng có giá trị. Nhiều trường hợp dùng thẻ sinh viên đã dán hình thì lại bị bắt bẻ vì thiếu dấu mộc đỏ mặc dugf trường mình làm gì có chuyện đóng dấu mộc đỏ vào thẻ tạm thời.

Dù thẻ tạm thời có hình và có dấu mộc đỏ chứng minh Khải là sinh viên của trường đại học Y Dược hẳn hoi nhưng cậu vẫn gặp trường hợp phải mua vé giá 6.000 đồng vì chú bán vé chỉ đồng ý bán vé với giá 2.000 đồng cho những ai có thẻ sinh viên chính thức tại TP.HCM. Khải chia sẻ: “Mình khuyên các bạn tân sinh viên nên mau chóng làm giấy chứng nhận sinh viên. Có như vậy xe buýt mới thôi bắt bẻ chuyện thẻ tạm thời hay thẻ chính thức.”

Nên chuẩn bị sẵn tiền lẻ

Nên chuẩn bị sẵn tiền lẻ khi đi xe buýt

Nên chuẩn bị sẵn tiền lẻ khi đi xe buýt

“Chuẩn bị tiền lẻ khi lên xe buýt” là câu khẩu hiệu không thể thiếu trên bất kỳ chiếc xe buýt nào. Nếu “lỡ” đưa tờ tiền có giá 50.000 đồng trở lên, bạn sẽ nhận được cái nhăn mặt, một trận “tổng sỉ vả” trước khi nhận được tiền thối hoặc bị đuổi xuống xe nếu hôm đó kém may mắn.

Mệnh giá tờ tiền càng lớn đồng nghĩa với khả năng bạn bị đuổi xuống xe càng cao, nhất là khi bác tài xe kiêm luôn người bán vé. “Chân lý” này đã được nhiều sinh viên đúc kết và rỉ tai nhau. Huỳnh Cường, sinh viên Trường Cao đẳng Y dược Pasteur cho biết sau khi chứng kiến bác tài lớn tiếng đuổi một bác xuống xe vì “dám” dùng tờ 200.000 trả tiền vé, cô bạn chuẩn bị hẳn một hộp tiền lẻ dành riêng cho việc đi xe buýt.

Việc chuẩn bị tiền lẻ trước khi lên xe buýt vừa giúp quá trình đón khách diễn ra nhanh chóng vừa thể hiện nét đẹp của văn hóa xe buýt. Do đó, luôn để dành và chuẩn bị tiền lẻ là một trong những “bí kíp” dành cho các tân sinh viên chọn xe buýt làm phương tiện đi lại.

Đề cao cảnh giác, cẩn thận móc túi

Vào những giờ cao điểm, xe buýt luôn chật cứng hành khách, người sát người chính là cơ hội cho những tên móc túi thỏa sức hành động. Tài sản mà các đối tượng móc túi thường hướng tới là điện thoại, ví tiền. Chúng chỉ tìm cơ hội áp sát bạn, nhanh tay “hành nghề” và xuống ở trạm tiếp theo. Khi nhận ra tài sản của mình đã bị mất thì lúc đó bọn đạo chích đã cao chạy xa bay. Nhiều trường hợp, nhân viên xe buýt thấy cũng làm ngơ hoặc chỉ cảnh báo chung chung để mọi người đề phòng chứ không dám chỉ đích danh vì không có bằng chứng.

Cách hữu hiệu nhất để đề phòng móc túi vẫn là mỗi người tự nâng cao cảnh giác. Bạn thì đeo ba lô ngược để tiện theo dõi, bạn thì lên xe buýt lập tức để balo xuống dưới chân. Có bạn cẩn thận hơn còn mua cả ổ khoá mini để khóa cặp lại. Tư trang của mình phải tự mình giữ lấy, mất rồi có kiện cáo cũng không được.

Đề cao cảnh giác, cẩn thận móc túi

Đề cao cảnh giác, cẩn thận móc túi

Chuyện đeo khẩu trang và thẻ sinh viên

Để chống nắng, chống bụi, sinh viên thường mang khẩu trang khi đi xe buýt. Một số tuyến xe buýt lại muốn kiểm tra xem thẻ sinh viên có thực sự “chính chủ” hay không nên chuyện đeo khẩu trang trở thành trở ngại lớn.

Một chị bán vé trên tuyến xe số 3 chia sẻ: “Không phải chị muốn làm khó sinh viên. Nhưng chị bắt gặp trường hợp nhiều bạn dùng thẻ đã hết hạn, không dùng thẻ của mình mà mượn của bạn, thậm chí còn có trường hợp một bạn nữ mà trình cho chị thẻ sinh viên của bạn nam nào đó. Làm không nghiêm thì khi kiểm soát viên lên kiểm tra, tụi chị bị lập biên bản rồi phải nộp tiền phạt nữa”. Không phải tuyến xe buýt nào cũng đòi “kiểm tra nhận dạng”, chính vì thế tốt nhất bạn nên hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước.

Có thể nói xe buýt là phương tiện đi lại với phí đi lại rẻ, lại được nhà nước trợ giá dành cho sinh viên tại TP.HCM với mức 2.000 đồng/lượt nên không có gì lạ khi xe buýt là một trong những lựa chọn hàng đầu của sinh viên. Mong rằng qua bài chia sẻ về một số lưu ý khi đi xe buýt từ Góc Sinh Viên sẽ phần nào giúp các bạn tân viên có nhiều kinh nghiệm khi di chuyển trên phương tiện này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *