Môn ngữ Văn là một trong những môn bắt buộc đối với các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia, vì vậy thí sinh cần chú ý những điểm sau khi làm bài thi môn ngữ Văn THPT Quốc gia năm 2018.
- Đề thi môn Toán THPT Quốc gia năm 2018 sẽ ra phần nào của lớp 11?
- Các bước chi tiết làm một bài văn nghị luận trong kỳ thi THPT Quốc gia
- Bao giờ phát Hồ sơ thi thpt quốc gia năm 2018
Những lưu ý khi làm bài thi môn ngữ Văn THPT Quốc gia năm 2018
Bài thi ngữ văn sẽ gồm 2 phần chính: đọc hiểu và làm văn, vậy để làm tốt bài thi môn Văn trong kỳ thi sắp tới, ban tư vấn Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur xin gửi tới các thí sinh một số lưu ý sau:
Những lưu ý khi làm phần Đọc hiểu
Trong đề thi môn ngữ Văn kỳ thi THPT Quốc gia, với phần Đọc hiểu, khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu để xác định những nội dung kiến thức mà đề bài yêu cầu theo từng câu hỏi phía dưới.
Các dạng hỏi thường gặp ở phần này (sau khi đã cho ngữ liệu là một đoạn văn, thơ, hoặc một văn bản bất kì) cụ thể như sau:
- Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng (hiệu quả) của nó; xác định phương thức biểu đạt; xác định phương thức diễn đạt; nội dung chính của văn bản; chủ đề của văn bản; xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản;
- Xác định thao tác lập luận của văn bản (có thể có sự kết hợp những thao tác lập luận khác nhau, cần xác định được thao tác lập luận chính); ý nghĩa của một số từ ngữ đặc sắc trong văn bản; viết một đoạn văn ngắn về một vấn đề xã hội đã đặt ra trong văn bản (dạng nghị luận xã hội)
Bên cạnh đó, học sinh cần trả lời trực tiếp, ngắn gọn, đầy đủ, chính xác từng câu hỏi. Câu nào biết trước thì trả lời trước, không cần cứ phải theo thứ tự từng câu để tránh mất thời gian làm bài.
Trong phần Đọc hiểu, có thể có một câu yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ, ý kiến của mình về vấn đề nào đó đã được nêu trong ngữ liệu. Với câu hỏi này, học sinh cần viết ngắn gọn, súc tích, đầy đủ làm nổi bật vấn đề. Dù là viết đoạn văn, cũng cần phải viết đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
Trong phần này thường có câu hỏi yêu cầu nêu nội dung chính của văn bản đã cho. Khi làm câu này, học sinh cần nêu được nội dung chính một cách khách quan (văn bản đề cập vấn đề gì), không phân tích, đánh giá, thể hiện thái độ cá nhân.
Lưu ý khi làm bài thi phần Làm văn
Lưu ý khi làm bài thi phần Làm văn
Đối với phần Làm văn nghị luận xã hội, những yêu cầu cần thiết với các thí sinh như sau:
- Đọc kỹ đề, xác định vấn đề cần nghị luận mà đề bài yêu cầu. Chú ý có bước phân tích đề để thấy được trọng tâm và các phương diện, các khía cạnh của vấn đề để bài làm đảm bảo đủ ý và không lệch trọng tâm. Tránh kiểu viết chung chung, không làm nổi bật trọng tâm. Trong bài viết thể hiện được đâu là luận điểm trung tâm, đâu là luận điểm bộ phận để bài viết cân đối, hài hòa, không xa đề, lệch hướng đề.
- Lập luận cần ngắn gọn, lý lẽ chắc chắn. Với nghị luận xã hội, quan trọng là lý lẽ phải đúng, khách quan, trung thực, nhưng cũng cần kết hợp cảm xúc ở mức độ nhất định.
- Thể hiện rõ quan điểm, thái độ của cá nhân đối với vấn đề cần nghị luận
- Dẫn chứng bằng kiến thức thực tế đời sống tiêu biểu, tránh đưa quá nhiều dẫn chứng hoặc dẫn chứng là những điều vụn vặt. Không phân tích dẫn chứng khi không cần thiết.
Với yêu cầu viết đoạn văn nghị luận, cũng cần viết đủ các phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn. Tránh hiện tượng viết “không đầu không đuôi”.
Với phần nghị luận văn học, thí sinh cần lưu ý những vấn đề sau:
Nếu phân tích một đoạn văn, đoạn thơ, bên cạnh giá trị nội dung, cần chú ý đến cách thể hiện của tác giả qua những giá trị nghệ thuật được sử dụng trong đó. Tránh chỉ phân tích nội dung khiến cho bài viết không sâu sắc. Tránh hiện tượng phân tích cả tác phẩm…
Về hình thức cấu trúc: Bài văn phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, phân đoạn hợp lý. Tất nhiên, vì là môn Văn nên học sinh phải chú ý đến chữ viết và hình thức trình bày, chữ viết rõ ràng, bài sạch sẽ sẽ là điểm cộng cho các thí sinh.
Nguồn: thptquocgia.org