Chấm thi THPT Quốc gia 2016: Làm sao chống thiên vị?

Nhiều cụm thi ĐH chủ trì ở các địa phương đã tìm cách đưa bài thi về trường chấm vì sợ giáo viên thiên vị học sinh tỉnh mình, thay vì huy động giáo viên tại địa phương chấm thi THPT Quốc gia.

cham-thi-thpt-quoc-gia-co-bi-thien-vi

Chấm thi THPT Quốc gia 2016 liệu có thiếu công bằng?

Thay vì huy động giáo viên tại địa phương chấm thi THPT quốc gia 2016, nhiều cụm thi ĐH chủ trì ở các địa phương đã tìm cách đưa bài thi về trường chấm vì sợ giáo viên thiên vị học sinh tỉnh mình.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không tổ chức cụm thi liên tỉnh như năm 2015 mà từng tỉnh, TP có ít nhất một cụm thi do trường ĐH chủ trì dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT sau đó là xét tuyển ĐH. Nhiều trường ĐH chủ trì cụm thi tỉnh đã lên kế hoạch chống tiêu cực trong khâu chấm thi.

Đưa bài thi THPT Quốc gia được về trường ĐH chấm

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM vừa có buổi làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh và Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh (đơn vị phối hợp) về tổ chức cụm thi. Nhiều nội dung đã được thống nhất như cán bộ coi thi sẽ được bố trí theo tỉ lệ Sở GD-ĐT Tây Ninh (20%), Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (60%), Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh (20%). Công tác chấm thi sẽ được tổ chức tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM.

PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết sau khi thí sinh thi xong 8 môn, bài thi sẽ được đưa về trường để tổ chức chấm thi. Trường sẽ mời giáo viên của TP HCM cùng với giáo viên của trường tham gia chấm thi các môn toán, văn, địa, sử và phần tự luận môn tiếng Anh. Trong trường hợp thiếu giáo viên, trường sẽ mời giáo viên từ Tây Ninh xuống nhưng nhiều khả năng sẽ không cần đến vì số lượng bài thi năm nay không nhiều, chủ yếu vẫn là toán, văn. Hiện tại, trường đã mời giáo viên ở TP HCM và họ đã nhận lời tham gia chấm. Lý giải việc đưa bài thi về TP HCM chấm, ông Ngoạn cho biết trường là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm nên phải đưa về nơi có đầy đủ các điều kiện để bảo đảm khâu này được khách quan, trung thực nhất.

GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM – đơn vị chủ trì cụm thi tỉnh Bến Tre, cho biết tổ chức thi xong trường sẽ đưa bài thi về TP HCM chấm. “Quá trình chấm thi sẽ kéo dài nhiều ngày nên đưa về trường chấm sẽ thuận lợi hơn tổ chức chấm thi ngay tại địa phương” – bà Quỳ nói và cho biết lực lượng coi thi sẽ có 400 cán bộ, giảng viên của nhà trường cùng 200 cán bộ của Trường CĐ Bến Tre, 100-150 giáo viên của tỉnh Bến Tre, còn lại là huy động học viên cao học của trường. Với giáo viên của tỉnh coi thi, trường đề nghị với Sở GD-ĐT cử giáo viên THCS thay cho giáo viên THPT.

Có lẽ vì sự tế nhị, nhiều trường ĐH chủ trì cụm thi ở các tỉnh chưa nói hết lý do vì sao lại đưa bài thi THPT quốc gia về TP HCM chấm nhưng trước đó (ngày 21-3), trong buổi họp với Bộ GD-ĐT, các trường ĐH chủ trì cụm thi ở tỉnh lo ngại nếu sử dụng giáo viên THPT của tỉnh chấm thi cho chính học sinh của mình sẽ không tránh khỏi sự thiên vị. Vì vậy, việc các trường ĐH chủ trì đưa bài thi về TP HCM chấm là một giải pháp ngăn chặn nguy cơ trên.

Kế hoạch chấm thi THPT Quốc gia có chậm tiến độ?

cham_thi_thpt-quoc-gia

Cụm thi THPT quốc gia tại tỉnh Tây Ninh năm nay dự kiến có khoảng 8.795 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có khoảng 1.012 thí sinh các năm trước thi lại. Để công tác tổ chức thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cùng Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh thống nhất tổ chức 12 điểm thi ở các trường THCS và THPT tại TP Tây Ninh và huyện Hòa Thành với số phòng thi dự kiến là 290. PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn cho biết số lượng thí sinh tham gia cụm thi năm nay chỉ bằng 1/2 năm ngoái do vậy trường hoàn toàn không lo công tác chấm thi bị chậm tiến độ.

GS-TS Mai Hồng Quỳ cho biết số lượng thí sinh dự thi được Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre thông báo hiện khoảng 9.700, từ nay đến ngày hết hạn đăng ký dự thi nếu tăng cũng không nhiều. Với số lượng này, trường hoàn toàn chủ động trong việc chấm thi vì ngoài lực lượng giảng viên của trường còn có giáo viên của các trường THPT ở TP HCM.

Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cho biết số lượng thí sinh năm nay khoảng 9.500, giảm 5.000 so với năm 2015. Trường sẽ huy động 120 giáo viên chấm thi cho các môn tự luận và không sợ chậm tiến độ.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay bộ không công bố kết quả thi mà sẽ do các trường chủ trì có trách nhiệm công bố. Ngoài việc chủ động công tác chấm thi, các trường phải chuẩn bị hạ tầng internet để việc công bố điểm thi không bị gián đoạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *