Các ĐH phía Nam không muốn xét tuyển chung

Bộ GD-ĐT nhiều lần đề nghị và mới đây Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng kêu gọi các trường ĐH, CĐ thực hiện liên kết xét tuyển chung trong kỳ tuyển sinh năm 2016. Tuy nhiên, cho đến nay ở phía Nam vẫn không có nhóm trường nào.

thpt-quoc-gia-2016 (10)

Trong công văn gửi các trường ĐH, CĐ mới đây, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tha thiết kêu gọi các trường – trước hết là các trường hội viên – mạnh dạn đứng ra làm nòng cốt tổ chức các nhóm xét tuyển sinh chung, hoặc tham gia vào các nhóm đó vì lợi ích của thí sinh và của xã hội…

“Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam sẽ cùng với Bộ GD-ĐT sẵn sàng hỗ trợ cho các nhóm trường những tư vấn cần thiết để lựa chọn phương án xét tuyển sinh và cung cấp miễn phí các nhóm phần mềm xét tuyển sinh tiện dụng nhất.

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam kính mong các trường ĐH, CĐ nhiệt tình hưởng ứng đề nghị trên của hiệp hội…” – GS.TS Trần Hồng Quân, chủ tịch hiệp hội, kêu gọi. Dẫu vậy, qua trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhiều trường ĐH tại TP.HCM đều khẳng định sẽ không tham gia việc xét tuyển chung.

Trên thực tế, trong tuyển sinh các trường đều phải cạnh tranh nhau, nên phải bảo mật dữ liệu thông tin xét tuyển, không dám nói thật với nhau…

TS Lê Chí Thông – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết đề xuất xét tuyển theo nhóm do Trường ĐH Bách khoa khởi xướng không được ĐH Quốc gia TP.HCM duyệt, do vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật chưa thống nhất được.

“Khả năng “ảo” vẫn còn, do thí sinh có thể đăng ký xét tuyển ở một trường ngoài nhóm và xét tuyển bằng học bạ. Đối với thí sinh, khi xét tuyển chung sẽ có khả năng trúng tuyển vào ngành yêu thích, khi rớt ở trường tốp trên sẽ được xét vào trường tốp dưới; nhưng không có cơ hội trúng tuyển cùng lúc hai trường để lựa chọn như thí sinh không đăng ký xét tuyển các trường ngoài nhóm” – ông Thông nói.

ky-thi-thpt-quoc-gia-5

Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, với quy chế tuyển sinh năm nay chắc chắn sẽ có rất nhiều thí sinh đạt điểm cao đậu cùng lúc hai trường. Trong trường hợp này, Bộ GD-ĐT phải công nhận thí sinh trúng tuyển hai trường và thí sinh được chọn một trường.

Do vậy, với việc tuyển sinh theo nhóm trường, tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo có giảm nhưng vẫn xảy ra chứ không xử lý triệt để được. Hơn nữa, do đặc thù của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM không giống nhau, mỗi trường một lĩnh vực đào tạo khác nhau, nên ĐH này sẽ không xét tuyển theo nhóm.

Đồng thời ông Nghĩa cho rằng để thực hiện phương thức xét tuyển mới phải cân nhắc nhiều yếu tố trước, trong và sau tuyển sinh. Theo đó, trước kỳ tuyển sinh tất cả các trường trên cả nước nên chuẩn bị kỹ thông báo, phổ biến thông tin cụ thể để thí sinh nắm rõ.

Trong tuyển sinh, việc lập nhóm sẽ tác động vào phần mềm xét tuyển phù hợp với nhóm. Sau khi thi, với việc xét tuyển theo nhóm, các trường phải ngồi chung hội đồng để xét tuyển.

“Chính việc này gây băn khoăn cho các trường trong vấn đề kỹ thuật. Hằng năm, hội đồng tuyển sinh các trường phải tinh chỉnh, canh điểm từng ngành, cân nhắc để xác định điểm chuẩn… Khi xét tuyển chung, việc tinh chỉnh cùng lúc hàng chục trường trong nhóm như vậy có phù hợp không?

Ý tưởng và mục tiêu của xét tuyển chung theo nhóm thật sự rất hay, nhưng khi thực hiện cần phải thận trọng và phải có sự chuẩn bị chu đáo từ bộ, các trường. Sau khi cân nhắc, ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định chưa thực hiện việc lập nhóm xét tuyển chung trong mùa tuyển sinh năm nay” – ông Nghĩa nói.

ky-thi-thpt-quoc-gia-2016

Thí sinh chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2016 

Lo “đói” thí sinh

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng đa số các trường đa ngành, đa lĩnh vực mà lập nhóm thì chỉ có lợi khi cùng nhóm ngành, nên rất khó cho những ngành khó tuyển.

“Giả sử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM liên kết nhóm với Trường ĐH Bách khoa, nhưng đa số thí sinh khi rớt ĐH Bách khoa sẽ chọn ngành trùng với ĐH Sư phạm kỹ thuật. Vậy thì các ngành kinh tế, tiếng Anh, in… của ĐH Sư phạm kỹ thuật làm sao tuyển?

Bên cạnh đó, lý do quan trọng nhất đó là phải có một trường đứng ra viết phần mềm xét tuyển chung cho cả nhóm. Điều này rất khó vì tiêu chí mỗi trường mỗi khác. Kinh nghiệm những năm qua, muốn tuyển ít ảo các trường phải dự đoán số gọi nhập học.

Năm nay, do thí sinh được đăng ký hai trường nên ảo sẽ nhiều. Nếu gọi 200% thì sẽ bị bộ kỷ luật, còn gọi 120% thì có thể thí sinh vào không đủ, làm tuyển thiếu. Con số gọi vượt bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng ngành, và chỉ các trường qua thống kê nhiều năm mới biết, chứ phần mềm xét chung cho nhóm chưa đủ thông minh để biết.

Chính vì vậy, các trường không muốn vô nhóm thì khả năng bị “đói” thí sinh rất cao. Không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ rất khó cho các trường, vì các trường đều dựa vào học phí. Trường tốp trên lập nhóm chỉ có lợi cho các trường tốp dưới trong nhóm!” – ông Dũng nhận định.

Trong khi đó, TS Trần Đình Lý – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – nhận định Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp xét tuyển theo nhóm để khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” nhưng việc này chỉ có thể giảm ảo trong các trường thuộc một nhóm, chứ không thể giải quyết ảo tổng thể.

Theo ông Lý, điểm tích cực gần như duy nhất của xét tuyển theo nhóm là thí sinh rớt ngành phù hợp của trường tốp trên sẽ có cơ hội học chính ngành đó ở trường tốp giữa và thậm chí là trường tốp dưới trong nhóm.

Theo tuyensinh.tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *