Nhiều Trường đại học lớn tại Tp HCM cho rằng đề nghị của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chưa hợp lý, quyết định không thay đổi điểm nhận hồ sơ xét tuyển đã công bố trước đó.
- Chỉ nên chọn một hình thức đăng ký xét tuyển
- Những thắc mắc về xét tuyển Đại học 2016
- Không nộp lệ phí xét tuyển Đại học trực tuyến có được xét hồ sơ?
- Thí sinh cần lưu ý khi xét tuyển vào các trường Đại học lớn
- Danh sách những trường đại học miễn lệ phí xét tuyển trực tuyến
Mức điểm xét tuyển vẫn giữ nguyên
Sáng 8/8, đại diện nhiều đại học lớn tại TP HCM cho biết vẫn giữ nguyên mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đại học đã công bố dù Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đề nghị phải xét tuyển cao hơn mức sàn.
“Việc nhận hồ sơ xét tuyển đã qua nửa thời gian nên việc thay đổi lớn như vậy không thể thực hiện được. Thay đổi không những không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn gây bức xúc cho thí sinh có ý định nộp hồ sơ vào trường với mức điểm sàn 15 đã công bố”, PGS.TS Trần Lê Quan, Hiệu phó Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), nói.
Theo ông Quan, yêu cầu của Bộ mang tính can thiệp sâu vào quyền tự chủ của các trường bởi việc công bố tiêu chuẩn nhận hồ sơ xét tuyển của họ trước đó hoàn toàn đúng theo quy định của Bộ. “Đây chỉ nên là kinh nghiệm cho các trường trong mùa tuyển sinh năm sau”, ông Quan nêu quan điểm.
Cùng khối Đại học Quốc gia TP HCM, trường Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng giữ nguyên mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đã công bố. Năm nay, trường có hơn 2.800 chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy. TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, thẳng thắn: “Bây giờ thì thay đổi gì nữa. Mọi thứ đã công bố sẽ giữ nguyên. Nếu thay đổi, các thí sinh đã nộp hồ sơ rồi sẽ rút ra như thế nào? Mình đã công bố thì phải giữ nguyên tắc đó với các em”.
Một cán bộ tuyển sinh của trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM từ chối bình luận về lời đề nghị của Bộ trưởng Giáo dục mà chỉ nêu thắc mắc: “Không biết Bộ trưởng căn cứ vào quy định nào để yêu cầu các trường phải công bố lại điểm nhận hồ sơ xét tuyển”.
Thay đổi sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh đã nộp hồ sơ trong tuần qua.
Lý do được ông đưa ra là, thay đổi sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh đã nộp hồ sơ trong tuần qua. Mặt khác, đây chỉ là lời đề nghị chứ Bộ Giáo dục chưa có văn bản chính thức yêu cầu nên trường sẽ không thay đổi. Thêm nữa, các trường thuộc Đại học Quốc gia TP HCM phải thực hiện quy định chung của khối đại học này nên việc thay đổi không phải là chuyện “một sớm, một chiều”.
Đại học Kinh tế TP HCM cũng khẳng định không thay đổi điểm nhận hồ sơ là 15 với một số ngành Kinh tế học, Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kinh tế chính trị, Toán tài chính, Thống kê kinh doanh đã công bố trước đó. Các ngành và chuyên ngành còn lại trường nhận hồ sơ từ 18 điểm.
Phó hiệu trưởng, TS Trần Thế Hoàng cho biết, các ngành mà trường nhận hồ sơ từ 15 điểm vốn kén người học nhưng xã hội rất cần. “Chỉ tiêu cho các ngành này là 300, rất ít so với tổng chỉ tiêu của trường nên việc đưa ra mức điểm này nhằm thu hút, khuyến khích người học”, ông Hoàng nói và cho biết Việt Nam hiện chưa có phân tầng đại học nên không thể khẳng định trường nào là “top trên”, “top dưới”.
Trong khi đó, TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, bày tỏ các trường có quyền “mưu cầu” sự an toàn cho mình trong công tác tuyển sinh để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu. Các trường tạm gọi là “top trên” đưa ra điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ đều nằm trong sự tính toán kỹ lưỡng. Việc Bộ lo lắng nhiều thí sinh gặp bất lợi khi chỉ vừa đủ điểm nộp hồ sơ vào các trường này cũng dễ hiểu.
Song, ông Danh khẳng định không nên có sự thay đổi điểm xét tuyển vào lúc này bởi sẽ làm công tác xét tuyển xáo trộn, phức tạp. “Nên chăng, các trường lớn nhưng có điểm nhận hồ sơ thấp khuyến cáo thí sinh rằng điểm chuẩn dự kiến có thể cao hơn nhiều. Thông tin rõ ràng thì thí sinh có đủ cơ sở để cân nhắc chọn trường phù hợp”, ông Danh đề nghị.
Đợt đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 diễn ra từ ngày 1 đến 12/8 và đã đi được nửa chặng đường. Trước đó, nhiều trường đại học top trên lấy ngưỡng xét tuyển bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn điểm sàn 15 mà Bộ Giáo dục công bố. Trong khi thực tế điểm chuẩn vào trường thường cao hơn rất nhiều. Điều này gây lo ngại thí sinh không tìm hiểu sẽ đổ xô nộp hồ sơ vào trường và cơ hội trúng tuyển thấp.
Theo baonghean.vn
Xem thêm tại: https://thptquocgia.org/