Mới đây, trong hướng dẫn các trường ĐH tổ chức dạy và học, kết thúc năm học, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh các trường ‘lên phương án dự phòng trong công tác tuyển sinh năm 2021’.
- Xét tuyển ĐH 2021: Sẽ có hơn 530.000 thí sinh đỗ đại học
- Học phí các trường đại học đào tạo nhóm ngành Kinh doanh
- Ngành Y khoa dành 10% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế
Đại học dự phòng phương án tuyển sinh năm 2021
Dành chỉ tiêu cho thí sinh hoãn thi tốt nghiệp
PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết trường đã có kinh nghiệm triển khai tình huống này ở năm 2020. Ví dụ, tỉ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM đã được nâng lên đến mức 70%, và trường cũng dành sẵn một phần chỉ tiêu cho các thí sinh ở các vùng bị hoãn thi tốt nghiệp THPT đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
“Ngoài ra, năm nay trường có thêm phương thức kết hợp kết quả học tập/thi với phỏng vấn nên xem như có thêm một phương thức dự phòng nữa trong tình hình sắp đến. Mặc dù vậy, tình hình hiện nay chưa đến mức quan ngại và trường đã có kinh nghiệm trong các năm trước nên các thí sinh yên tâm về vấn đề tuyển sinh” – ông Thắng nói.
Trong khi đó, ThS Phùng Quán – trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho rằng từ kinh nghiệm của mùa tuyển sinh năm ngoái, nếu năm nay tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các trường ĐH vẫn không gặp quá nhiều khó khăn trong tuyển sinh.
“Năm nay các trường đều có từ 5 đến 7 phương thức xét tuyển, việc xét điểm thi THPT chỉ là một trong các phương thức đó với chỉ tiêu không đáng kể. Nếu có vấn đề gì liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn các trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức khác để ứng phó với tình hình thực tế” – ông Quán khẳng định.
PGS.TS Trần Tiến Khoa – hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho hay: “Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 do trường tổ chức dự kiến diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-5-2021. Tuy nhiên với tình hình dịch COVID-19 hiện đang diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu ổn định nên chúng tôi quyết định sẽ tổ chức ngay khi các điều kiện an toàn về vấn đề dịch bệnh được đảm bảo. Thời gian dự kiến tổ chức kỳ thi vào nửa cuối tháng 6-2021”.
TS Phan Hồng Hải – hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – thông tin năm nay trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh như sử dụng kết quả học tập năm lớp 12, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng…
Ông cho biết: “Đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường tuân thủ các mốc thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT. Do đó, nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiến độ kỳ thi thay đổi thì việc tuyển sinh của nhà trường cũng thay đổi tương ứng. Đồng thời nhà trường cũng sẽ xem xét cân đối tỉ lệ chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức xét tuyển phù hợp”.
Dịch phức tạp trường hợp xấu nhất sẽ xét kết quả học tập (ảnh minh họa)
Trường hợp xấu nhất sẽ xét kết quả học tập
Ở phía Bắc, PGS.TS Trần Trung Kiên – trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – thông tin: “Hiện nay các trường đều trong tư thế sẵn sàng. Trường hợp xấu nhất không thi được tốt nghiệp THPT thì các trường sẽ xét hồ sơ học bạ. Phương án này năm ngoái chúng tôi cũng đặt ra rồi”.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội – nói: “Chúng tôi hiện vẫn chờ quyết định của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT. Trong khi chờ chúng tôi vẫn xét học bạ online. Hiện giờ mọi thứ vẫn nằm trong thời gian dự trù, kịch bản tổ chức cũng sẽ giống năm ngoái. Trong trường hợp xấu nhất xét học bạ. Kết quả học tập của học sinh thế nào mình xét thế ấy”.
Trong khi đó, TS Đào Tùng – phó giám đốc Học viện Tài chính – cho biết: “Chúng tôi vẫn sẽ theo các phương án của Bộ GD-ĐT, đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục giữ cách làm của năm 2020. Đó là yêu cầu các trường dành một số lượng chỉ tiêu nhất định cho các địa phương bị dịch COVID-19 không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, chúng tôi cũng đã có điều chỉnh trong đề án tuyển sinh. Đó là với phương án xét dựa vào kết quả học tập chúng tôi để không thấp hơn 50% số chỉ tiêu. Tức là trong trường hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể diễn ra, ngoài số chỉ tiêu dành cho xét tuyển thẳng vẫn có thể dành tối đa chỉ tiêu để xét kết quả học tập học sinh”.
Dịch phức tạp sẽ điều chỉnh đề án tuyển sinh
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh – phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho biết: “Nếu tình hình dịch COVID-19 phức tạp hơn, chắc chắn trường sẽ điều chỉnh đề án tuyển sinh theo hướng dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ. Đến nay tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào trường hơn 38.500.
Tuy nhiên chỉ tiêu xét tuyển học bạ sẽ được điều chỉnh phù hợp tùy theo ngành nghề và hệ đào tạo. Đối với những ngành khó tuyển hay đăng ký ít thì sẽ tăng chỉ tiêu xét học bạ. Các ngành có thi năng khiếu trường sẽ tìm ra phương án phù hợp. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì lịch nhập học sẽ điều chỉnh thời gian cho phù hợp”.
Nguồn: thptquocgia.org tổng hợp