Nhiều thí sinh nghĩ rằng chỉ cần có chứng chỉ quốc tế là sẽ được tuyển thẳng đại học. Tuy nhiên, hiểu như vậy hoàn toàn sai vì thực tế không có trường nào xét tuyển kiểu vậy.
- Đăng ký nguyện vọng thông minh để không nuối tiếc
- Hướng dẫn đăng ký xét tuyển trực tuyến Đại học năm 2021
- Mã trường, mã ngành đại học của tất cả các trường năm 2021
Không phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là đậu đại học
“Việc xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu thế tất yếu, phương thức này giúp học sinh Việt Nam có động lực để nâng cao trình độ ngoại ngữ” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Theo thông tin Tuyển sinh ĐH – CĐ tổng hợp: Phương thức xét tuyển ĐH bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang được nhiều trường đại học sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay. Đây là xu hướng tuyển sinh lành mạnh, tạo cho thí sinh thêm cơ hội xét tuyển.
Mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học công bố phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Nhiều thí sinh nghĩ rằng chỉ cần có chứng chỉ quốc tế là sẽ được tuyển thẳng đại học, “không công bằng với học sinh nông thôn”.
Tuy nhiên, hiểu như vậy hoàn toàn sai vì thực tế không có trường nào xét tuyển kiểu vậy.
Xét chứng chỉ ngoại ngữ là một trong nhiều phương thức
Năm nay, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh theo sáu phương thức, trong đó phương thức 5 – xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài 1 – 5% chỉ tiêu. Thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng một hay nhiều phương thức khác nhau.
Theo đó, thí sinh có chứng chỉ IELTS ≥ 5.0/ TOEFL iBT ≥ 46/ TOEIC nghe – đọc ≥ 460 & nói – viết ≥ 200 sẽ được quy đổi sang điểm tương ứng của môn tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển A01, D01, D07 (chỉ áp dụng cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn).
Trường đại học Kinh tế – luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm nay xét tuyển theo năm phương thức, trong đó phương thức 5 – xét tuyển dựa trên kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đối với học sinh Việt Nam và học sinh có quốc tịch nước ngoài (học chương trình THPT quốc tế bằng tiếng Anh hoặc chương trình THPT trong nước) vào các chương trình chất lượng cao, chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.
Chỉ tiêu không quá 20% tổng chỉ tiêu của các chương trình chất lượng cao; không quá 50% tổng chỉ tiêu của các chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp.
Điều kiện đăng ký xét tuyển: thí sinh có điểm trung bình học tập THPT từ 7,0 (thang điểm 10); hoặc 2,5 (thang điểm 4); hoặc từ 8 (thang điểm 12); và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có chứng chỉ quốc tế ACT từ 25 điểm hoặc SAT từ 1.100 điểm trở lên; hoặc có chứng chỉ tiếng Pháp từ tương đương DELF B1 trở lên hoặc tham gia thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp (xét tuyển đối với chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp).
Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một lợi thế
Xét tuyển kết hợp
Trường đại học Ngoại thương năm nay cũng tuyển theo sáu phương thức, trong đó phương thức 2 – xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên và phương thức 3 – xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Xét tuyển căn cứ trên nguyện vọng đăng ký, chỉ tiêu của từng chương trình và điểm đánh giá hồ sơ xét tuyển theo quy định cụ thể của nhà trường.
Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng tuyển theo sáu phương thức, trong đó phương thức xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế (1% chỉ tiêu), xét tuyển học sinh giỏi và xét tuyển quá trình học tập có tiêu chí xét học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 6.0 trở lên.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y dược TP.HCM – cho biết: “Năm nay, nhà trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Riêng ngành y khoa, răng – hàm – mặt, dược học và điều dưỡng tiếp tục có thêm phương thức xét tuyển theo hình thức kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế”.
Thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6.0 trở lên (đối với ngành y khoa, răng – hàm – mặt, dược học), IELTS 5.0 trở lên (đối với ngành điều dưỡng).
Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một lợi thế
Trước việc có nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn phương thức này “tạo ra sự bất bình đẳng trong tuyển sinh, là không công bằng với học sinh nông thôn”.
Thực tế cho thấy mùa tuyển sinh 2021, hầu hết các trường đại học vẫn dành khoảng 70% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, phần chỉ tiêu còn lại cho các phương thức khác. Việc các trường đưa ra mức điểm quy định và quy đổi đối với các chứng chỉ ngoại ngữ (từ 6.0 trở lên với chứng chỉ IELTS…) cũng mới chỉ là điểm sàn xét tuyển. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ có mức điểm theo yêu cầu mới đủ điều kiện qua vòng sơ tuyển.
Theo PGS Vũ Thị Hiền – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương, các trường coi chứng chỉ quốc tế là căn cứ để xem xét sử dụng kết hợp với các phương thức xét tuyển khác. Do đó, việc có chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ là một lợi thế, chứ không phải cứ có chứng chỉ nộp vào là trúng tuyển.
“Cần nhìn nhận phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một xu hướng tuyển sinh lành mạnh, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn. Thực tế cũng cho thấy các trường hiện đang dành chỉ tiêu tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho một số ngành yêu cầu cao về năng lực tiếng Anh.
Với các chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định đủ để theo học, tiếng Anh từ 5.0 hoặc 5.5 IELTS hoặc tương đương. Đó gần như là yêu cầu tiên quyết đối với sinh viên khi đăng ký hệ này. Như vậy cơ hội vào đại học sẽ rộng mở với những thí sinh giỏi ngoại ngữ”, bà Hiền nhận định.