Học sinh lớp 12 và thí sinh tự do sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 theo thời gian quy định.
- Mã trường, mã ngành đại học của tất cả các trường năm 2021
- Trượt TN 2021 thí sinh vẫn được cấp giấy chứng nhận
- Cách chuẩn bị hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ
Ảnh minh họa
Hôm nay (27.4), thí sinh trên cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm ngành giáo dục mầm non theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm của kỳ thi này.
Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Theo thông tin Tuyển sinh ĐH – CĐ tổng hợp: Theo Bộ GDĐT quy định, thí sinh chỉ được chọn 1 trong 2 phương thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Phương thức 1, đăng ký trực tiếp tất cả các thông tin trên phiếu đăng ký dự thi. Ở phương thức này, thí sinh không được điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi điểm tiếp nhận đã cập nhật thông tin của thí sinh vào cơ sở dữ liệu trong thời gian quy định.
Phương thức 2, đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện), thí sinh đăng ký trực tiếp trên phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển phần thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phần đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến, thí sinh sẽ được cấp mật khẩu và tài khoản để đăng ký. Thí sinh phải hoàn thành việc đăng ký trong thời gian quy định. Với phương thức này, thí sinh có thể điều chỉnh nhiều lần thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định.
Thí sinh cũng cần lưu ý ghi đúng mã cơ sở đào tạo, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của cơ sở đào tạo. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.
Theo ThS Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, đăng ký nguyện vọng thông minh là thí sinh lựa chọn đăng ký phù hợp năng lực, sở trường và hoàn cảnh gia đình. Ông Nguyên cũng lưu ý, các trường có nhiều phương thức xét tuyển, trong khi nguyện vọng lại được đăng ký không giới hạn nên cơ hội trúng tuyển rất lớn.
Năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn nhưng cũng sẽ chỉ trúng tuyển có một nên cần sự sắp xếp nguyện vọng sao cho phù hợp.
“Cần tìm hiểu thông tin ở những trang thông tin của trường, chính thống. Chỉ cần đăng ký 3 đến 5 nguyện vọng là vừa, những năm trước có thí sinh đăng ký đến 50 nguyện vọng là không cần thiết” – ThS Phạm Doãn Nguyên cho hay.
Theo TS Ngô Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, bên cạnh thực hiện đúng các bước thủ tục thì điều quan trọng nhất hiện nay là học sinh “chốt” được phương án đăng ký xét tuyển đại học.
Theo ông Hải, muốn chọn ngành, hướng nghề đúng với bản thân thì trước tiên học sinh cần phải hiểu rõ chính mình. Mỗi một ngành nghề đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công. Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa giữa thứ mình thích; điều mình có khả năng, và quan trọng nhất, thứ xã hội cần.
Còn ThS Phùng Quán – Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) – nhấn mạnh, ngành học nào đang được đào tạo trong các trường đều có nhu cầu trong xã hội.
Chọn nguyện vọng một cách thông minh để không nuối tiếc
Một số câu hỏi ông Quán nhận được nhiều nhất là: Em học ngành này ra có việc làm không? Cơ hội việc làm ngành này như thế nào? Trường có bảo đảm em tốt nghiệp xong sẽ có việc làm hay không? Em sợ ra trường làm trái ngành quá. Lương ngành này cao không?….
ThS Phùng Quán cho rằng, sẽ chẳng có trường nào, ngành nào có thể bảo đảm cho em có việc làm 100% nếu em không đủ năng lực, không có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Khi có năng lực chuyên môn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, có kỹ năng mềm thì chắc chắn sẽ có công việc như ý.
Cũng theo vị trưởng phòng, thu nhập khi ra đi làm, doanh nghiệp sẽ trả lương dựa trên ba yếu tố (P1) Position – vị trí công việc, (P2) Person – năng lực cá nhân và (P3) Performance – kết quả công việc mà sẽ trả công cho phù hợp. Chính vì vậy, ngoài việc chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở trường thì người học cũng luôn cần có rèn luyện, phấn đấu tốt trong học tập. Sự năng động, thái độ tích cực để hòa nhập trong những môi trường mới cũng quan trọng không kém gì kiến thức chuyên môn – ông Quán nhận định.
Không ỷ lại việc điều chỉnh nhiều lần
Theo ThS Trịnh Văn Cư – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Một điểm mới quan trọng khác của việc xét tuyển đại học năm nay là sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định và chỉ được thực hiện theo phương thức trực tuyến.
TS Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang tư vấn: Việc Bộ GDĐT nâng lên 3 lần điều chỉnh nguyện vọng là cơ hội để thí sinh có thể chỉnh sửa nếu có sai sót. Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên chủ quan khi được điều chỉnh nhiều lần.
“Chỉ cho phép điều chỉnh 1 lần tức là các em cần cân nhắc thật kỹ càng rồi mới quyết định, điều chỉnh là chốt. Nhưng khi có 3 lần lại khiến các em phân vân, suy nghĩ không chín chắn dẫn đến có thể lựa chọn lần 3 lại là lựa chọn xấu nhất. Tuy nhiên, chọn 1, 2, 3 lần hay nhiều lần đi chăng nữa thì nếu không biết cách chọn lựa, bị phân tán tư tưởng thì cũng sẽ không có được lựa chọn tốt nhất” – ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, năm học 2021-2022, thêm nhiều trường đại học thông báo tăng học phí, tăng vọt ở các trường bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ tài chính. Chính vì thế, học phí cũng là nội dung mà phụ huynh và thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi chọn trường.
TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác chính trị – sinh viên, Trường Đại học Mỏ – Địa chất – cho rằng, khi chọn nghề, chọn trường, thí sinh cũng cần tính đến yếu tố chi phí trong học tập, mức học phí, học bổng của trường mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển có phù hợp với điều kiện gia đình hay không.