Sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển các Trường ĐH. Đây là quyết định khá đột ngột và bất ngờ
- Bộ GD không bắt buộc phải xét tuyển tập trung?
- Chờ phương án xét tuyển Đại học có giống năm ngoái?
- Nguy cơ tái diễn “vỡ trận” xét tuyển đại học tập trung
Thực chất đây là phương án tuyển sinh mở rộng theo nhóm?
Bởi trước đó không lâu Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành quy chế tuyển sinh năm 2016 cũng như rất đồng tình với việc thành lập nhóm GX do Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội chủ trì gồm 11 trường (Bộ GD-ĐT ký văn bản xác nhận ngày 31/3/2016). Tuy nhiên, theo phương thức mà Bộ GD-ĐT đưa ra, việc xét tuyển theo nhóm GX theo quy chế sẽ không còn tồn tại.
Trước quyết định bất ngờ này, nhiều lãnh đạo của các trường ĐH, đặc biệt là các trường thuộc nhóm GX cho rằng nếu phương thức mà Bộ GD-ĐT đưa ra chống được “ảo” cũng như giải quyết được các tồn tại của mùa tuyển sinh năm trước như nghẽn mạng… thì tốt. Họ đồng tình và ủng hộ và sẽ tham gia, bởi thực chất đây là phương án tuyển sinh mở rộng theo nhóm đã đề ra trước đó.
Theo ông Mai Văn Trinh: “Việc xét tuyển chung là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn mà không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Phương thức xét tuyển đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch, đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung thay vì các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng”.
Lý giải về vấn đề xét tuyển chung có lợi gì cho các trường và thí sinh, ông Mai Văn Trinh phân tích: “Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm 2015, tổ kỹ thuật chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật. Phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu ĐKXT duy nhất đối với tất cả các thí sinh đã ĐKXT.
Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật, đảm bảo tính chính xác.
Các trường không phải sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển riêng cho trường mình từ hệ cơ sở dữ liệu chung này. Khi có kết quả xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống”.
Xét tuyển chung sẽ hiệu quả hơn
Quan điểm về việc Bộ đưa ra chủ trương xét tuyển chung bất thình lình, khi trước đó vài tuần vẫn liên tục ủng hộ các trường tuyển sinh theo nhóm ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Mục đích tuyển sinh theo nhóm là muốn giảm tỷ lệ hồ sơ xét tuyển “ảo”. Làm được như vậy thì thí sinh và nhà trường đều có lợi chứ không phải vì lợi ích nhóm.
Đến nay, nếu Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức xét tuyển chung thì ĐH Bách khoa sẵn sàng tham gia với vai trò là một trường trong hệ thống. Chúng tôi có thể hỗ trợ, chuyển giao về kỹ thuật trong quá trình chạy phần mềm xét tuyển mà trường đã chuẩn bị”.
Còn theo ông Mai Văn Trinh, việc xét tuyển chung cả nước sẽ hiệu quả hơn so với việc các nhóm trường xét tuyển riêng rẽ. Tổ chức xét tuyển tập trung đối với các trường ĐH sẽ giúp giải quyết căn bản những vướng mắc của kỳ tuyển sinh năm 2015 và vấn đề thí sinh “ảo” cho các trường.
Mặt khác, phương thức xét tuyển này đảm bảo sự công bằng, tính minh bạch
Đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của các trường. Việc sử dụng phương thức này cũng đồng nghĩa không cần thiết phải tồn tại các nhóm nhỏ như GX. Tất cả các nhóm này sẽ nhập vào thành nhóm chung toàn quốc.
Tuy nhiên, các câu hỏi đặt ra là, những trường chỉ có 1 trong 3 phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả thi THPT quốc gia thì có phải tham gia xét tuyển chung không? Những trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức có phải xét tuyển chung với Bộ không?
Đặc biệt, với thời hạn hơn 2 tháng nữa, việc xây dựng và thử nghiệm phần mềm xét tuyển trên phạm vi cả nước liệu có đảm bảo không phát sinh trục trặc, nhầm lẫn như đã từng xảy ra trong kỳ xét tuyển 2015 khiến cả xã hội phải lo lắng hay không?
Cũng theo ông Trinh, để chuẩn bị cho xét tuyển chung, Bộ GD-ĐT đã và đang chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn xét tuyển tập trung. Để thực hiện việc xét tuyển chung các trường ĐH cần thống nhất thực hiện một số quy định trong văn bản hướng dẫn của Bộ về công tác xét tuyển tập trung.
Đồng thời cần chuẩn bị, công bố công khai và báo cáo Bộ GD-ĐT các thông tin sau: Thông tin xét tuyển chi tiết đến ngành hoặc nhóm ngành, gồm: ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu tuyển sinh đối với từng ngành/nhóm ngành, tổ hợp môn xét tuyển, các tiêu chí phụ để xét các thí sinh có cùng mức điểm xét tuyển. Tất cả những thông tin này sẽ được phần mềm xử lý trong quá trình xét tuyển.
Theo baophapluat.vn