Xét tuyển đại học tập trung có thể tái diễn nguy “vỡ trận” do số lượng thí sinh quá lớn trong khi các trường không xử lý thông tin kịp thời
- Tiếng Anh là môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT tại Thanh Hóa
- Ngày 30.6 điều chỉnh sai sót chứng chỉ ngoại ngữ
- Xét tuyển tập trung giảm tối thiểu thí sinh ảo
Thí sinh chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2016
Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác xét tuyển tập trung để chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên cả nước thống nhất triển khai trong kỳ thi tuyển sinh năm 2016.
Với phương án xét tuyển chung, phần mềm và hạ tầng CNTT đảm bảo cho sự hoạt động thông suốt, ổn định của hệ thống là do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc tổ chức xét tuyển tập trung đối với các trường ĐH sẽ là giải pháp giải quyết một cách căn bản những vướng mắc của năm 2015 và vấn đề thí sinh “ảo” cho các trường.
Do 4 nguyện vọng của thí sinh được xét đồng thời khi xét tuyển tập trung thay cho việc 2 nguyện vọng được xét tuyển ở mỗi trường nên cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ được nâng cao. Mặt khác, phương thức xét tuyển này đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch; đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường.
Bộ GD-ĐT đã cùng với nhà cung cấp dịch vụ tính toán các giải pháp, đồng thời yêu cầu các Sở GD-ĐT, các trường THPT huy động tối đa các phòng máy tính để giúp thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) thuận lợi. Bằng cách này, kết quả ĐKXT của thí sinh sẽ được phân tải và thông qua hệ thống phần mềm để hoàn thiện CSDL xét tuyển chung.
Kết quả ĐKXT của thí sinh, thông tin tuyển sinh các trường (ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu, các tiêu chí xét tuyển…) cùng toàn bộ kết quả thi của thí sinh đã được quản trị tập trung tại một cơ sở dữ liệu duy nhất. Sau khi đã hoàn thiện CSDL xét tuyển, công tác xét tuyển được thực hiện tập trung ở Bộ nhờ hệ thống phần mềm, không đòi hỏi gì thêm về hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường.
Sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, giống như việc tải dữ liệu ĐKXT về để xét tuyển như cách xét tuyển riêng rẽ trước đây (nhưng dung lượng tải sẽ nhỏ hơn vì chỉ gồm các thí sinh trúng tuyển). Với phương thức này, các trường không phải lo lắng về phần mềm xét tuyển của trường mình.
Mặt khác, theo quy chế tuyển sinh, thí sinh còn có thể nộp ĐKXT qua đường bưu điện. Trong tình huống xấu, nếu thí sinh không thể ĐKXT trực tuyến, thí sinh có thể ĐKXT theo các phương thức khác theo quy định của trường. Để tránh rủi ro cho thí sinh, dự kiến hệ thống ĐKXT trực tuyến sẽ đóng trước (dự kiến một ngày) để những thí sinh chưa đăng ký được còn có thời gian để đăng ký theo các phương thức còn lại.
Bằng các giải pháp này theo Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo không để xảy ra tình trạng có thí sinh không thể ĐKXT được.
Năm nay Bộ GD-ĐT chủ động tính toán và chuẩn bị kỹ các điều kiện về hạ tầng cần thiết đáp ứng nhu cầu ĐKXT trực tuyến của thí sinh cũng như các hoạt động tuyển sinh của các trường để giảm tối đa tình trạng nghẽn mạng.
Mặc dù cam kết của Bộ GD-ĐT là như vậy khi xét tuyển đại học theo tập trung nhưng chúng ta không khỏi lo ngại có thể xảy ra những tình huống bất ngờ, khó xử lý gây ảnh hưởng tới tâm lý cho thí sinh.
Bài học nhãn tiền về nguy cơ “vỡ trận” do nghẽn mạng
Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ rất rõ, năm 2015, Bộ GD-ĐT tuyên bố nắm độc quyền việc công bố điểm thi trên trang web của Bộ. Tất cả các báo điện tử muốn giúp thí sinh xem điểm thi đều phải dẫn đường link về website của Bộ GD-ĐT nên thực tế là chỉ có một cổng để tra cứu điểm thi.
Trong khi đường truyền của Bộ GD-ĐT chỉ đáp ứng được khoảng 60.000 lượt truy cập cùng một lúc thì đến chiều 22/7/2015, khi chỉ còn vài giờ công bố điểm thi, lượt truy cập dẫn vào xem điểm thi trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT đã lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu lượt truy cập.
Nhìn thấy nguy cơ bị nghẽn mạng vì số lượng truy cập điểm thi quá lớn, Bộ GD-ĐT mới chia sẻ quyền công bố điểm thi cho 8 trường đại học. Thế nhưng, thời gian quá gấp gáp khiến các trường không thể chuẩn bị kịp về cơ sở hạ tầng nên thí sinh đã bị rơi vào cảnh bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên vì chẳng thể tra cứu được điểm thi.
Chưa hết, khi bước vào giai đoạn xét tuyển, cảnh tượng thí sinh hớt hải chạy từ trường này sang trường khác, nhốn nháo, khóc ròng vì việc rút- nộp hồ sơ nhưng dữ liệu của thí sinh không thể cập nhật liên tục để đáp ứng nhu cầu thay đổi nguyện vọng của thí sinh là một bài học cho sự cố nghẽn mạng trong xét tuyển bằng phần mềm tuyển sinh trên Internet khi không có sự chuẩn bị chu đáo.
Năm 2015, mặc dù Bộ GD-ĐT đã xây dựng phần mềm tuyển sinh chung nhưng không phải tất cả các trường ĐH đều sử dụng mà nhiều trường đã xây dựng phần mềm riêng và kết nối với server của Bộ để tải dữ liệu nhưng vẫn xảy ra tình trạng quá tải.
Thí sinh được đăng ký vào 4 ngành học khác nhau.
Tuy nhiên, đến ngày cuối cùng của đợt xét tuyển, lượng thí sinh đến rút-nộp hồ sơ tăng nhanh và cũng là thời điểm xảy ra tình trạng “vỡ trận” vì hồ sơ của thí sinh đã rút nhưng thông tin về việc thay đổi nguyện vọng của các em vẫn chưa được các trường cập nhập kịp do sự cố nghẽn mạng Internet. Vì thế, các trường khác không thể nhập được dữ liệu để đăng ký xét tuyển cho thí sinh.
Còn năm nay, theo quy chế xét tuyển ĐH, CĐ , trong đợt I, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Ở các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.
Việc rút-nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng của thí sinh trong ngày xét tuyển cuối cùng của mỗi đợt xét tuyển vẫn là số lượng lớn nên tình trạng “vỡ trận” vẫn có thể xảy ra khi năm nay, hơn 440 trường ĐH, CĐ trên cả nước sử dụng phần mềm xét tuyển chung do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm.
Theo vov.vn