Với kỳ thi THPT Quốc gia 2016 sắp tới sẽ có rất nhiều thí sinh gian lận khi đăng ký xét tuyển. Vậy phương pháp nào điều chế thí sinh?
- Các điểm tiếp nhận ĐKTD THPT Quốc gia tại Hà Nội
- Nên đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2016 bao nhiêu môn?
- Thí sinh tự do đăng ký thi THPT Quốc gia 2016 thi tại đâu?
Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường GX
Ngày 7-4-2016, nhóm 9 trường ĐH, bao gồm trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Xây dựng, trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Thủy lợi, trường ĐH Giao thông vận tải, trường ĐH Mỏ-Địa chất, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải (lấy tên là Nhóm trường GX) đã thông báo chính thức về việc thực hiện Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường đã được Bộ GD&ĐT thông qua theo nội dung của Công văn số 1382/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 31-3-2016.
Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường GX là cơ sở để thực hiện một phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 với sự cam kết tham gia của một số trường ĐH (gọi tắt là các trường).
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đảm nhiệm vai trò là trường chủ trì thực hiện đề án. Phương thức tuyển sinh theo nhóm được xây dựng trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 và đề cao trách nhiệm của các trường đối với thí sinh và xã hội trong công tác tuyển sinh. Thứ nhất, phương thức xét tuyển chung theo nhóm trường là một giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng “trúng tuyển ảo” cho các trường tham gia. Thứ hai, phương thức này tạo thêm cơ hội lựa chọn, đồng thời không gây ra sự phức tạp và tốn kém cho thí sinh, không làm giảm quyền lợi của thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Thứ ba, phương thức tuyển sinh chung theo nhóm trường vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các trường trong việc phân định và xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành, quy định các điều kiện được ĐKXT vào trường (nếu có), các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành và môn thi chính (hệ số 2); chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành…
Nguyên tắc được tuên thủ khi tuyển sinh
Phương thức tuyển sinh của nhóm GX tuân thủ theo một số nguyên tắc chung: Sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý, áp dụng chung cách tính điểm xét và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu ĐKXT (được quy định trong Đề án) và áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành. Tùy theo tình hình tuyển sinh của các trường, phương thức xét tuyển này tiếp tục được thực hiện cho các đợt xét tuyển bổ sung theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong Phiếu ĐKXT (theo mẫu được thiết kế cho nhóm GX). Thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 nguyện vọng trong đợt 1 và 6 nguyện vọng trong các đợt xét tuyển bổ sung) để ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm (ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể ĐKXT vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 nguyện vọng hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 nguyện vọng vào 1 trường và 2 nguyện vọng còn lại đăng ký vào 2 trường).
Ngoài ra, thí sinh có thể ĐKXT vào 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm GX. Tuy nhiên nếu thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào trường ngoài nhóm (do vượt số trường tối đa được phép ĐKXT theo quy định của Quy chế tuyển sinh). Theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu ĐKXT, nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả thi (tính quy đổi về điểm xét) của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.
Ngoài 2 hình thức ĐKXT do Bộ GD&ĐT quy định (đăng ký trực tuyến hoặc gửi phiếu ĐKXT đến địa chỉ của trường nguyện vọng 1 qua đường bưu điện), thí sinh có thể nộp trực tiếp phiếu ĐKXT tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.
Chế tài đặc biệt trong chuyện không trung thực
Trước câu hỏi trong trường hợp thí sinh gian lận, đăng ký hết nguyện vọng trong nhóm nhưng vẫn đăng ký ở trường ngoài thì phải xử lý ra sao, PGS.TS Nguyễn Quang Kim – Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết: “Thí sinh có thể gian lận trong chuyện này, nhưng việc này nằm ngoài kiểm soát của nhóm. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT sẽ có chế tài đặc biệt trong chuyện không trung thực này của thí sinh”.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) nêu ý kiến: “Trường hợp thí sinh ”ăn gian” nộp vào 4 trường thì phần mềm xét tuyển chỉ nhập 2 trường thôi, như thế chắc chắn thí sinh sẽ bị thiệt. Chuyện thí sinh gian lận như trên, chúng tôi hoàn toàn khống chế được”.
Tham gia tuyển sinh theo nhóm, các trường sẽ khắc phục được tình trạng thí sinh ảo, thí sinh có thêm cơ hội xét tuyển nhưng không phải không có khó khăn. Ví dụ nếu thí sinh đăng ký không đủ chỉ tiêu, các trường phải lấy thêm nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 theo đúng quy chế.
PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Hiện chúng tôi đang đề xuất Bộ GD&ĐT cho thành lập một Ban chỉ đạo vì trường ĐH Bách khoa không thể đứng ra thành lập Ban chỉ đạo này. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT có quyết định công nhận Ban chỉ đạo tuyển sinh theo nhóm trường, tất cả cán bộ kỹ thuật của các trường trong nhóm sẽ cùng bàn để giải quyết các khó khăn chúng tôi đã tiên lượng trong các kỳ họp trước. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định khó khăn không lớn, chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật để xử lý thông tin, không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Với quyết tâm của các trường, chúng tôi tin tưởng chắc chắn khó khăn này không là trở ngại”.
Theo luyenthithptquocgia.com