Năm 2016, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội có phương thức đổi mới trong công tác tuyển sinh, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào.
- Đại học FPT sẽ công bố kết quả thi tuyển sinh sau 1 tuần
- Đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội đạt chuẩn đề thi
Thí sinh chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi THPT Quốc gia
Khác với kỳ thi tuyển sinh năm trước, năm nay, Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội không đợi đến khi học sinh kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, để lấy điểm xét tuyển đầu vào của kỳ thi này đối với học sinh đăng ký tham dự vào trường.
Nghĩa là, thí sinh chỉ cần có kết quả học bạ năm học lớp 12 hoặc tương đương, mà không phải thấp thỏm chờ đợi kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, đã có quyền đăng ký nộp hồ sơ dự thi vào trường.
Vẫn trên nền tảng cơ bản về quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục- Đào tạo, là trường đặc thù đào tạo chuyên ngành Giáo dục thể chất, trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã đưa ra quy chế tuyển sinh tương đối thuận lợi đối với các thí sinh ở cả lĩnh vực xét tuyển các môn văn hóa cũng như năng khiếu chuyên môn TDTT, ở kỳ thi tuyển sinh năm 2016.
Theo đó, đối tượng thí sinh đăng ký tham dự xét tuyển vào trường là thí sinh cả nước. Thí sinh chỉ cần nộp học bạ của năm lớp 12, với quy định xét tổng điểm trung bình bắt buộc cả năm lớp 12 THPT hoặc tương đương ở hai môn Toán, Sinh học cộng lại phải từ 10,0 điểm trở lên mới đủ điều kiện đăng ký dự thi.
Ngoài tiêu chí về trình độ văn hóa, trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã đưa ra các tiêu chí trong việc xét tuyển thí sinh ở phần thi năng khiếu, cụ thể: Thí sinh có sức khỏe tốt, chiều cao tối thiểu là 1,62m(nam) và 1,52m(nữ) trở lên.
Đối với phần thi năng khiếu, Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội sẽ áp dụng phương thức thi năng khiếu chung và nhân hệ số 2.
Nội dung thi năng khiếu TDTT như sau: Kiểm tra thể hình theo tiêu chí về chiều cao, sức khỏe. Sau đó, tất cả các thí sinh đều dự thi năng khiếu chung như nhau là: Bật xa tại chỗ 3 lần(trên hố cát), thành tích được tính bằng cm, lấy thành tích cao nhất, chấm điểm theo barem, thang điểm 10. Cùng đó, các thí sinh tham dự đều phải chạy 100m, thành tích tính bằng giây, thang điểm 10.
Như vậy, điểm xét tuyển của trường này sẽ là tổng điểm trung bình của môn Toán và môn Sinh học cả năm lớp 12, cộng với điểm thi tuyển môn Năng khiếu TDTT(tính hệ số 2) và điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng(Theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo), ưu tiên đối với những thí sinh có thành tích thể thao cấp quốc gia, quốc tế.
Trên cơ sở số lượng thí sinh dự thi chính thức và hợp lệ, nhà trường sẽ xét tuyển theo điểm từ cao xuống thấp, cho đủ chỉ tiêu của hệ Đại học chính quy. Chỉ tiêu của hệ Đại học chính quy của trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội năm 2016 là 580 chỉ tiêu cho toàn bộ hệ Đại học, chuyên ngành Giáo dục thể chất(mã ngành D140206).
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển Sư phạm TDTT Hà Nội đã bắt đầu từ ngày 20/4 đến hết ngày 8/8/2016.
Thí sinh có mặt để làm thủ tục thi tuyển năng khiếu TDTT được chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ 8 giờ sáng ngày 12/7/2016. Đợt 2 từ 8 giờ sáng ngày 10/8/2016.
Ngay sau khi làm thủ tục này, nhà trường sẽ tiến hành thi tuyển năng khiếu TDTT tại trường. Đợt 1 từ ngày 12-13/7; Đợt 2 từ ngày 10-12/8.
Sau đó, nhà trường tiến hành xét tuyển cho đợt 1 từ ngày 20-25/7; đợt 2 từ ngày 20-25/8 và các đợt bổ sung theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo.
Ngày 25/7 và 25/8, nhà trường sẽ công bố kết quả xét tuyển và các đợt bổ sung theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi, Tiến sĩ Lê Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội cho biết: “ Nhà trường miễn phí hướng dẫn ôn -thi năng khiếu TDTT cho tất cả các thí sinh từ ngày 6/6- 4/8/2016.
Đặc biệt, nhà trường miễn phí ăn, ở trong thời gian thi cho các thí sinh diện hộ nghèo, diện chính sách(con thương binh, con liệt sĩ, con người có công với cách mạng, dân tộc ít người hoặc thí sinh ở vùng núi, hải đảo.
Thí sinh trúng tuyển hệ chính quy, trong quá trình học sinh viên không phải đóng học phí và có đủ chỗ ở trong ký túc xá. Hết học kỳ I, nhà trường xét cấp học bổng theo kết quả học tập và diện chính sách”.
Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: Áp dụng cả 2 phương thức xét tuyển văn hóa và năng khiếu chung
Có chút khác biệt so với trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội trong phương thức xét tuyển văn hóa, trường Đại học TDTT Bắc Ninh đưa ra 75% phương thức xét tuyển học bạ của năm cuối cấp THPT(lớp 12) ở môn Toán và Sinh học. Điều kiện bắt buộc điểm trung bình cộng của 2 môn này phải đạt 10 điểm trở lên.
Còn lại là 25% sẽ là phương thức xét tuyển trên cơ sở kết quả của thí sinh tại kỳ thi THPT Quốc gia ở môn Toán và Sinh học, điểm trung bình cộng ở 2 môn này cũng phải đạt ngưỡng tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo.
Về phần thi năng khiếu, Tiến sĩ Trần Trung, Trưởng Phòng Đào tạo cho biết: “Thay vì thi năng khiếu chung và năng khiếu riêng như nhiều năm trước đây, năm nay Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã rút ngắn hành trình thi năng khiếu cho các thí sinh, nhằm giảm bớt sự căng thẳng cho thí sinh cũng như đảm bảo đồng đều chất lượng chuyên môn”.
Vì vậy, tất cả các thí sinh dự thi ở cả 2 phương thức xét tuyển trên đều có chung một phương thức thi năng khiếu như nhau.
Cụ thể phần thi năng khiếu chung của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh là 3 nội dung: Bật xa tại chỗ, chạy luồn cọc, chạy 100m. Điểm năng khiếu của thí sinh sẽ được nhân hệ số 2.
Riêng ở phần thi năng khiếu, nhà trường có chính sách ưu tiên đối với thí sinh đạt huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải vô địch thể thao hạng nhất quốc gia, hoặc vận động viên được công nhận đẳng cấp kiện tướng quốc gia, đẳng cấp cấp 1 quốc gia.
Yêu cầu đối với thí sinh dự thi vào trường Đại học TDTT Bắc Ninh phải có cơ thể cân đối, không có dị tật, dị hình, không bị bệnh tim mạch. Chiều cao tối thiểu là 165cm và cân nặng 45 kg(nam); Chiều cao 155cm và cân nặng tối thiểu 40 kg(nữ). Nếu có chiều cao, cân nặng thấp hơn so với quy định hoặc dị tật, dị hình… thí sinh sẽ bị trừ điểm ở môn năng khiếu thể thao trước khi nhân hệ số 2.
Thời gian nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 4/4 đến hết ngày 8/7/2016.
Thời gian thi tuyển năng khiếu ở trường Đại học TDTT Bắc Ninh sẽ được tiến hành theo 3 đợt: Đợt 1 từ 14-15/7; Đợt 2 từ 14- 15/8; Đợt 3 từ 14- 15/9/2016.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh năm 2016 là 900 sinh viên(trong đó, hệ Cao đẳng là 100 sinh viên), ở 4 chuyên ngành đào tạo bao gồm: 500 chỉ tiêu chuyên ngành Giáo dục thể chất; 250 chỉ tiêu chuyên ngành Huấn luyện thể thao; 75 chỉ tiêu Quản lý TDTT; 75 chỉ tiêu Y sinh học TDTT.
Điểm thi của thí sinh sẽ được tính trên tổng điểm của 2 môn văn hóa, cộng với điểm thi năng khiếu(nhân hệ số 2), cộng với điểm ưu tiên đối với các thí sinh có thành tích. Nhà trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Nếu còn chỉ tiêu, nhà trường tiếp tục tuyển sinh đợt 2, thời gian dự kiến từ ngày 14-15/8/2016.
Theo phapluatplus.vn