Nhiều thí sinh dự thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp?

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của một số Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi chỉ nhằm xét tốt nghiệp cao hơn so với năm 2015.

thpt-quoc-gia-2016 (21)

Nhiều thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp?

Theo các chuyên gia giáo dục, có nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi này như hiệu ứng cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng khiến nhiều học sinh “ngại” vào ĐH, công tác hướng nghiệp được chú trọng hơn và đặc biệt là việc chọn nghề của học sinh đã gắn với cơ hội tìm kiếm việc làm.

Tín hiệu vui từ sự chuyển biến trong phân luồng, hướng nghiệp

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An có 31.698 thí sinh dự kỳ thi THPT Quốc gia. Trong đó, có 61,79% thí sinh dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ và gần 40% thí sinh đăng kí thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, cao hơn nhiều so với năm 2015.

Trong đó, tại các huyện miền núi, tỉ lệ thí sinh đăng kí dự thi lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT dao động từ 59 – 67%. Còn theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 8.900 thí sinh dự thi. Tuy nhiên trong số này, chỉ có 5.600 thí sinh dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Số còn lại khoảng 3.300 thí sinh chỉ đăng ký thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 37%, cao hơn kỳ thi THPT Quốc gia của năm 2015 là gần 10%. Tại Thanh Hóa và Nam Định, thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT cũng cho thấy, số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp khoảng trên 35%, tăng hơn so với năm 2015. Đặc biệt, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, thống kê sơ bộ có trên 60% số học sinh thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp…

Theo các chuyên gia giáo dục, tỷ lệ này chứng tỏ việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THPT tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh có hiệu quả. Nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn con đường lập nghiệp cũng đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp hơn với hoàn cảnh gia đình, năng lực của bản thân và nhu cầu nhân lực của xã hội.

Lý giải về con số gần 40% học sinh THPT ở Nghệ An chỉ đăng ký lấy kết quả công nhận tốt nghiệp trong khi Nghệ An xưa nay được mệnh danh là đất học, nơi mà chuyện thi thố khoa cử, học hành để lấy được tấm bằng ĐH luôn được các gia đình ưu tiên hàng đầu, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Hiện tượng cử nhân ra trường không kiếm được việc làm đang gia tăng trong những năm gần đây không chỉ là nỗi đau của các em và gia đình mà còn là sự trăn trở của những người làm công tác quản lý giáo dục tại địa phương.

thpt-quoc-gia-2016 (25)

Tín hiệu vui từ sự chuyển biến trong phân luồng, hướng nghiệp

Tại Nghệ An, việc nhiều cử nhân phải gác tấm bằng đại học để đi làm công nhân không còn là chuyện hiếm. Do vậy, việc tư vấn, hướng nghiệp sớm cho học sinh THPT được Sở GD&ĐT Nghệ An chú trọng.

Để công tác phân luồng, hướng nghiệp sát thực, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chọn ngành học phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện của gia đình cũng như nhu cầu thực tế từ xã hội; tạo điều kiện cho các trường chuyên nghiệp, dạy nghề tổ chức tư vấn tại trường THPT cho học sinh có nguyện vọng đăng ký học nghề.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng phối hợp với các trường khảo sát nhu cầu học tiếp của các em với mục tiêu chính là sẽ hướng nghiệp cho các học sinh có học lực trung bình vào các trường nghề của tỉnh, số còn lại sẽ được học nghề ngắn hạn tại địa phương trước khi tham gia vào thị trường lao động.

Giải pháp căn cơ cho tình trạng thừa thầy, thiếu thợ

ThS Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Việc ngày càng có nhiều học sinh không chọn thi ĐH đã nói lên được nhiều điều. Đó là công tác hướng nghiệp, phân luồng tại các địa phương đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Quan trọng hơn là sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh và học sinh khi mà nhiều gia đình đang nhìn rõ vào thực tế hơn là chỉ chú trọng bằng cấp, việc học đại học không còn được lập trình sẵn và là con đường duy nhất phải phấn đấu bằng mọi giá. Tất nhiên, sự thay đổi này bắt nguồn từ thực tế là trong thời gian qua những con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ở nước ta có năm lên đến trên 200.000 ngàn người đã buộc nhiều phụ huynh, học sinh phải nhìn lại con đường kiến tạo công việc tương lai.

thpt-quoc-gia-2016 (6)

Giải pháp căn cơ cho tình trạng thừa thầy, thiếu thợ

Nếu học 4 năm ĐH, ra trường không xin được việc, phải gác bằng đi làm công nhân hoặc lao động phổ thông thì rõ ràng đó là một sự lãng phí lớn cả về công sức, tiền bạc, thời gian và cả cơ hội. Do vậy, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường rất quan trọng, giúp các em có cách nhìn thực chất về nhu cầu lao động của thị trường, biết năng lực mình đến đâu, sở trường – sở đoản là gì, năng lực tài chính gia đình như thế nào để có bước lựa chọn phù hợp nên học ĐH, CĐ hay học nghề để sau khi ra trường có việc làm ngay.

Đồng quan điểm trên, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Việc ngày càng có nhiều học sinh không chọn thi ĐH là dấu hiệu đáng mừng, bởi lẽ thực tế trong những năm gần đây cho thấy,  sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào ĐH hay còn gọi là “phổ cập” ĐH.

Kể cả các bậc phụ huynh, cha mẹ nào cũng muốn con vào ĐH và luôn quan niệm học kém mới phải học nghề. Tâm lý thích vào ĐH, cộng với việc hệ thống trường ĐH mở ra ngày càng nhiều, đặc biệt là các trường ngoài công lập khiến nhiều học sinh có học lực trung bình, yếu vẫn có thể vào học ĐH. Hệ quả là nhân lực có trình độ ĐH ngày càng dư thừa và yếu.

Trong khi đó, luồng giáo dục nghề nghiệp, nơi cung cấp nguồn nhân lực là công nhân lành nghề phục vụ sản xuất trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện đang “khát” thì chủ yếu được phân bổ khi các em không đỗ ĐH, khiến cho luồng này tiếp tục bị “tắc” và chất lượng không cao.

“Do vậy, việc ngày càng có nhiều học sinh chọn học nghề sẽ là chuyển biến tốt cho chính các em, cho thị trường lao động và xã hội. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán thừa thầy, thiếu thợ tại Việt Nam hiện nay” – GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Trích nguồn : Công An Nhân Dân

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *