Có nên duy trì chính sách cử tuyển?

Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào ĐH, CĐ, TC để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ ĐH, CĐ, TC.

Có nên duy trì chính sách cử tuyển?

Có nên duy trì chính sách cử tuyển?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng, chính sách cử tuyển đối với đồng bào dân tộc, miền núi thời gian qua chưa hiệu quả. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục chính sách này?

Chính sách cử tuyển chưa hiệu quả

Theo thông tin trang Kỳ thi THPT quốc gia tổng hợp, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13.8, giải đáp vấn đề chính sách cử tuyển trong giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay, trong thời gian đầu từ 2006-2014 thì chính sách này phát huy hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, gần đây, việc cử tuyển xem ra không hiệu quả do khi học sinh học xong về địa phương không bố trí được việc làm.

Theo Bộ trưởng Giáo dục, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc cử học sinh đi học chưa trúng. Chất lượng học của các cán bộ cử tuyển cũng chưa cao. Đặc biệt là việc cử đi và khi sử dụng không khớp nên học về không có việc.

Một GV Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur Hà Nội cho biết, nhiều học sinh dân tộc miền núi học rất giỏi, nhưng không nằm trong hệ cử tuyển khi trở về cũng không được bình đẳng trong vấn đề việc làm.

Theo ông Nhạ, sắp tới Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ làm việc với Ủy ban Dân tộc để tham mưu cho Chính phủ, địa phương cử những người thực sự gắn với đầu ra, đảm bảo những người được đào tạo ra thực sự trở thành những “hạt giống” cho địa phương.

Chưa thỏa mãn với phần giải đáp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, hiện nay, nhiều học sinh người dân tộc do điều kiện hạn chế nên không phải cái gì cũng học được.

“Ví dụ các cháu muốn học nghề sư phạm thì các môn học cơ bản như toán, lý, hoá không học được, lại học thể dục và các môn phụ khác thì về địa phương không bố trí được do thừa giáo viên”, ông Cương nêu.

Bên cạnh đó, địa phương có chỉ tiêu nào thì con cán bộ chiếm hết, con đồng bào dân tộc không đến lượt.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Có nên tiếp tục chính sách cử tuyển?

Tiếp tục giải trình vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, chính sách cử tuyển là chính sách dân tộc lớn của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua đã đào tạo một thế hệ cán bộ của nhiều ngành, lĩnh vực cho dân tộc, miền núi.

Tuy nhiên, ông Chiến cũng thừa nhận, trong hoạt động vừa qua, chính sách này đã phát sinh một số bất cập và cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Chiến cho hay, hiện nay, trong 53 dân tộc thiểu số anh em có 32 dân tộc tỷ lệ tốt nghiệp ĐH dưới 1%, còn 3 dân tộc chưa có người học đại học. Đây là những đối tượng cần ưu tiên. Bên cạnh đó, cần tránh ưu tiên con cán bộ, hay người có lợi thế.

Bên cạnh đó, ông Chiến đề nghị thay đổi chính sách cử tuyển qua đơn vị chứ không cử tuyển như hiện nay đồng thời không châm chước về mặt trình độ, nếu cần phải cho học dự bị để đảm bảo mặt bằng văn hóa mới học đại học được.

“Chúng tôi thấy cần có ưu tiên, cử tuyển nhưng không châm chước về trình độ. Ít nhất phải một tám một mười, đuối quá không học được đâu, học xong ra trường cũng không làm được việc”, ông Chiến nói.

Nguồn: thptquocgia.org tổng hợp (Từ báo Thanh niên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *