Trước tình hình nhiều trường tốp trên đưa ra ngưỡng điểm chuẩn thấp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường phải công bố mức điểm sàn cao hơn điểm chuẩn.
- Đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ đến hồi gay cấn
- Bộ Giáo dục đưa ra chỉ đạo mới nhất về xét tuyển ĐH
- Đại học Y Hà Nội nhận hồ sơ xét tuyển từ bao nhiêu điểm?
- Lưu ý các trường điểm xét tuyển thấp nhưng điểm trúng tuyển cao
Nhiều trường tốp trên có ngưỡng điểm xét tuyển thấp
Năm nay, các trường ĐH chính thức xét tuyển đợt 1 từ ngày 1/8. Tuy nhiên, rất nhiều trường ĐH top trên nhưng vẫn lấy ngưỡng xét tuyển từ điểm sàn của Bộ hoặc nhỉnh hơn ngưỡng của Bộ GD&ĐT từ 1 đến 2 điểm. Điều này khiến thí sinh nhầm tưởng còn các trường ĐH top dưới và top giữa rất khó tuyển sinh vì tỷ lệ ảo cao.
Đại học Nông lâm TPHCM là một trong số ít trường tại TP HCM công bố điểm sàn xét tuyển cho tất cả các ngành ở tất cả các tổ hợp môn là 18, cao hơn 3 điểm so với điểm sàn của Bộ Giáo dục và cao hơn 1 điểm so với năm trước.
Theo Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông lâm TPHCM, việc nhiều trường top trên đưa ra mức điểm nhận hồ sơ chỉ bằng điểm sàn, trong khi điểm chuẩn có thể cao hơn 3-4 điểm sẽ khiến thí sinh bối rối trong việc chọn ngành, chọn trường phù hợp với điểm thi.
Cũng theo vị trưởng phòng trên, các trường nên đưa ra điểm nhận hồ sơ sát với điểm chuẩn của các năm hoặc điểm nhận hồ sơ theo các nhóm ngành nhằm tránh sự chênh lệch quá cao, gây bất lợi cho thí sinh. Với thí sinh, ông khuyên, từ nay đến hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1, các em nên cân nhắc thật kỹ về ngành yêu thích và chọn đúng trường phù hợp với điểm số của mình, không phung phí cơ hội xét tuyển.
Cùng chung nhận định, lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng cho rằng, bản chất điểm sàn của Bộ đã đáp ứng được chất lượng tối thiểu của thí sinh. Còn điểm chuẩn của các trường có thể thay đổi theo từng năm, theo xu hướng chọn ngành của thí sinh. “Trừ một số ngành ở một số trường đã định hình thương hiệu như Y dược, Ngoại thương… với điểm chuẩn ổn định qua nhiều năm thì không có gì đảm bảo cho mức điểm này qua các năm ở các trường khác”.
“Tuy nhiên, sẽ có một số ít thí sinh gặp bất lợi nếu thiếu thông tin khi đăng ký xét tuyển như điểm chuẩn của các trường những năm trước. Khâu tư vấn ở các trường và sự tìm hiểu thông tin kỹ trước khi nộp đơn xét tuyển của thí sinh rất quan trọng”, vị lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng thông tin thêm.
Lý giải của các trường khi đưa ra mức điểm xét tuyển thấp
Còn theo lãnh đạo một trường đại học lớn tại TP HCM, việc công bố điểm nhận hồ sơ xấp xỉ mức sàn của Bộ Giáo dục là quyền quyết định của từng trường khi cân đối nhu cầu, tình hình thi cử trong từng năm.
Vị này nhấn mạnh: “Không có chuyện các trường top trên tung chiêu để hút thí sinh. Dĩ nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là thí sinh và các em cần được thông tin chính xác, tư vấn cặn kẽ để chọn trường phù hợp”.
Trước thực tế trên, để thí sinh không phải băn khoăn chọn trường, chọn ngành trước “ma trận” điểm sàn mà các trường đã công bố, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chính thức yêu cầu hiệu trưởng các trường ĐH lớn, các trường thuộc tốp trên công bố mức điểm sàn cao hơn ngưỡng điểm sàn của Bộ GD&ĐT đã đưa ra để xét tuyển. Việc làm này vừa tạo thêm cơ hội tuyển sinh cho các trường tốp dưới và quan trọng nhất là minh bạch, không làm mất cơ hội của các thí sinh có mức điểm xung quanh ngưỡng điểm sàn.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, năm 2015, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của các trường này đều rất cao.
“Mức điểm sàn 15 điểm mà Bộ công bố là mức tối thiểu. Các trường lớn không được công bố mức sàn như thế để xét tuyển. Năm ngoái, đã có rất nhiều thí sinh đăng ký vào các trường này và “mắc kẹt” vì mức điểm chuẩn đầu vào chênh lệch quá xa so với điểm sàn và điểm của các thí sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu, nếu các trường đã công bố điểm rồi thì rút lại và công bố ngưỡng điểm chuẩn sao cho tương xứng với vị thế của trường. Bộ sẽ chỉ đạo rất sát sao vấn đề này để tránh thiệt thòi cho các thí sinh và các trường tốp dưới.