Theo quy chế mới tại kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đã sửa đổi được nhiều những bất cập tại kỳ thi THPT Quốc gia 2015 nhưng so với các trường top dưới thì quy chế này không được áp dụng hoàn thiện
- Quy chế tuyển sinh năm 2016 tăng cường tính tự chủ của các Trường?
- Các Trường xét tuyển phải tự cứu mình?
- Cử nhân và Thạc sĩ ngành khác được tuyển hẳng vào ngành Y?
Từ cạn nguồn tuyển…
Năm 2015, đã rất nhiều trường tốp dưới như ĐH Phương Đông; ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội… rất vất vả ở xét tuyển do cạn nguồn tuyển, nhiều giáo viên các trường đứng trước nguy cơ bị sa thải do không có sinh viên. Năm nay, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ được “nới lỏng” hơn, đó là cho phép cả những trường công được sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Nắm bắt cơ hội, nhiều trường đại học công lập và dân lập đã “nhanh tay” thông báo trong tuyển sinh 2016 sẽ dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả THPT với một số ngành. Cụ thể như một số trường đại học như: Lâm nghiệp, Hàng hải, Phương Đông, Hòa Bình, Huế…
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục khâu xét tuyển của những trường tốp dưới vẫn sẽ không “khởi sắc” so với mùa tuyển sinh năm ngoái. Trao đổi về những lo ngại trước mùa tuyển sinh năm 2016, ông Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường Đại học Hòa Bình cho biết, mùa tuyển sinh năm 2016 nhiều trường đại học công lập cũng xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT thì những trường tốp dưới như trường ĐH Hòa Bình và trường ngoài công lập sẽ gặp nhiều khó khăn ở khâu tuyển sinh hơn so với năm ngoái. Bởi khi các trường ĐH công lập xét tuyển bằng học bạ sẽ “chặn” nguồn tuyển của trường ngoài công lập. “Chúng tôi rất lo, mùa tuyển sinh năm nay sẽ lại rơi vào tình trạng cạn nguồn tuyển như năm 2015”, ông Vận nói.
Về vấn đề này, ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phương Đông đánh giá: “Nếu việc xét tuyển dựa vào kết quả THPT thì nhiều trường sẽ rơi vào tình trạng cạn nguồn tuyển. Đặc biệt, những trường ngoài công lập và trường tốp dưới sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều”.
Trong khi đó, theo tâm lý của phần lớn thí sinh việc lựa chọn các trường công lập sẽ là ưu tiên hàng đầu vì chi phí học tập thấp, bởi vậy những lo ngại của các trường ngoài công lập là có căn cứ.
Ngoài ra, theo quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016, ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng vào (điểm sàn) của hệ cao đẳng là thí sinh đáp ứng điều kiện tốt nghiệp THPT. Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Như vậy, năm nay hệ cao đẳng của nhiều trường đại học cũng sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi đối với các trường cao đẳng.
Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2015 đã diễn ra tình trạng đại học “vét” hết sinh viên của cao đẳng bởi các trường đại học có tới 4 đợt xét tuyển. Cùng với đó, năm nay nhiều trường đại học còn thực hiện xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Vậy liệu rằng, thí sinh có chấp nhận xét tuyển vào trường cao đẳng trong khi cơ hội vào các trường đại học vẫn rộng mở.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Long, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La nhận định, mặc dù bỏ điểm sàn đã tạo thuận lợi nhưng nhiều trường cao đẳng vẫn lo không tuyển sinh được. Hiện tại số đông học sinh đều đổ xô vào đại học công lập và dân lập.
Ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phương Đông cho rằng, dù bỏ điểm sàn cao đẳng nhưng các trường cao đẳng vẫn sẽ gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh.
Có nhiều hậu quả kéo theo
Năm ngoái, nhiều trường đã tuyển sinh không đủ chỉ tiêu và đứng trước nguy cơ đóng cửa nên năm nay, nhiều trường đã đưa ra những chính sách thuận lợi cho thí sinh. Thời điểm này, nhiều trường đại học công lập và ngoài công lập công bố phương án tuyển sinh dựa vào kết quả học tập THPT và ngưỡng điểm đầu vào cao đẳng là tốt nghiệp THPT sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh, học sinh “chạy điểm” để làm “đẹp” học bạ nhằm có một vé “thông hành” bước vào cánh cổng trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, chất lượng đầu vào của nhiều trường đại học, cao đẳng cũng giảm.
Về vấn đề này, ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellsring (Hà Nội) cho biết: “Năm nay, nhiều trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập nên tôi nghĩ sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm, sửa chữa học bạ. Tôi cũng đề nghị các sở GD-ĐT phát hiện và xử lý thật nghiêm để cảnh báo các trường vi phạm”. .
Ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) cũng khẳng định: “Năm nay, nhiều trường đại học, cao đẳng xét tuyển dựa vào kết quả THPT nên sẽ có trường hợp học sinh “chạy” điểm để làm “đẹp” học bạ. Tuy nhiên, số học sinh đó cũng sẽ rất ít và chỉ rơi vào những học sinh yếu kém muốn đi học đại học. Tôi nghĩ ở trường nào để xảy ra tình trạng chạy điểm là giáo viên chưa thực hiện đúng đạo đức nghề nghiệp. Học sinh học đến đâu phải đánh giá điểm ở mức đó, như vậy, giáo dục Việt Nam mới có chất lượng thực”.
Trong mùa tuyển sinh năm 2015, nhiều trường đại học ngoài công lập sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT với mong muốn “vớt” đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, do tuyển sinh bằng việc xét tuyển dựa vào kết quả học tập nên chất lượng đầu vào cũng giảm so với các năm trước đó.
Điển hình như, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trường Đại học Phương Đông có đến 78% chỉ tiêu dựa vào việc xét kết quả học tập THPT. Theo đánh giá của ông Vũ Phán chất lượng thí sinh xét tuyển theo học bạ thường thấp hơn những thí sinh dựa vào điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển. “Có nhiều thí sinh xét tuyển dựa vào kết quả học tập chỉ mong muốn đỗ vào một trường đại học để được đi học. Nhưng khi học các em đã không theo kịp chương trình, không hứng thú với việc học nên đã xin nghỉ học chuyển trường khác”, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định.
Cùng chung quan điểm, ông Đặng Ứng Vận khẳng định: “Trong năm 2015 nhà trường cũng xét tuyển dựa vào kết quả học THPT, qua học kỳ một, nhà trường nhận thấy những sinh viên xét tuyển vào trường bằng kết quả học tập THPT học yếu hơn những sinh viên khác”.
Theo nhận định của chuyên gia giáo dục, những trường xét tuyển dựa vào kết quả THPT chủ yếu là những trường tốp dưới, có nguồn tuyển hạn chế. Do vậy, thí sinh vào những trường này đều có chất lượng đầu vào thấp và các trường đại học, cao đẳng phải chịu trách nhiệm với đầu vào của mình. Tuy vậy, khi mà những trường tốp trên đã “hớt” hết thí sinh thì buộc các trường tốp dưới phải đưa ra những phương án xét tuyển hấp dẫn để thu hút sinh viên nhằm duy trì sự tồn tại của trường.
Về quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội lại cho rằng: Trong việc tuyển sinh không trường nào lại muốn “hớt cặn”, trường nào cũng mong muốn chất lượng đầu vào tốt. Tuy nhiên, việc tuyển sinh không thể chia đều như một chiếc bánh cho các trường, do đó những trường nào có uy tín, chất lượng đào tạo tốt sẽ thu hút được thí sinh có đầu vào cao. Những trường tốp trên cũng không “hớt” thí sinh của trường tốp dưới mà chỉ tuyển đến hết chỉ tiêu sẽ dừng lại và không tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu. Các trường muốn tuyển sinh được phải cạnh tranh về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất…
Theo laodong.com.vn