Kỳ thi THPT Quốc gia môn Địa lý diễn ra vào sáng nay ngày 3/7 có gần 6.000 thí sinh bỏ thi, 35 thí sinh vi phạm kỷ luật.
- Gợi ý bài giải môn Địa lý kỳ thi THPT Quốc gia 2016
- Nhiều thí sinh trúng tủ môn Địa lý THPT Quốc gia 2016
- Điểm thi tốt nghiệp chỉ có 5 thí sinh tham dự môn Hóa THPT Quốc gia
Địa lý là môn tư chọn nên số lượng thí sinh giảm so với môn khác
Báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT cho biết: Môn Địa lý có 436.534 thí sinh đăng kí dự thi (cụm thi tốt nghiệp: 218.479 và cụm thi đại học: 218.055).
Điều đáng chú ý ở đây là có gần 6.000 thí sinh bỏ thi môn này. Tổng số thí sinh đến dự thi là 430.631, đạt tỷ lệ 98.65% (cụm thi tốt nghiệp: 216.567, đạt 99.12%; cụm thi đại học: 214.064, đạt 98.17%).
Trên tổng thí sinh chỉ có 30 trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi (cụm thi tốt nghiệp: 2 và cụm thi đại học: 28), 1 khiển trách và 4 cảnh cáo.
Đề thi Địa lý THPT Quốc gia năm 2016 tiếp tục được thí sinh đánh giá là phân loại được thí sinh khá giỏi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Đề thi THPT Quốc gia môn Địa lý được đánh giá dễ thở
Đại đa số thí sinh đánh giá đề thi năm nay tương đối “dễ thở”, nằm trong chương trình sách giáo khoa. Đề thi không mang tính đánh đố, chỉ có 2 câu khó. Muốn làm được, thí sinh phải hiểu biết kiến thức xã hội, phân tích và tổng hợp tốt.
Trong đề thi có nhiều sĩ tử cho biết rất thích thú với phần 2 câu hỏi số IV yêu cầu chứng minh: Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đối với việc phát triển nông nghiệp? Tại sao thời gian vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra hết sức phức tạp?
Với đề thi địa lý THPT Quốc gia 2016, thí sinh Khương Trung Sơn (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Đề Địa năm nay khá dễ. Em thích nhất câu cuối liên quan đến vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Em nghĩ rằng, với câu hỏi này, phải liên hệ thực tế và thường xuyên theo dõi nắm nhiều tin tức thời sự sẽ làm tốt. Bên cạnh đó, nếu biết khai thác Atlat, thí sinh cũng sẽ liên hệ và phân tích tốt”.
Cùng với suy nghĩ trên, Nguyễn Văn Trất ( Đông Anh, Hà Nội) có ý kiến: Đề thi năm nay không khó và có tính phân hóa cao so với năm ngoái. Đề thi bám sát được các vấn đề thời sự có tính thực tiễn, ví dụ như vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, tình trạng xâm nhập mặn. Câu hỏi kiếm điểm nhất là vẽ biểu đồ. Đây là dạng bài đã được ôn tập nhiều. Với đề thi này, phổ điểm trung bình sẽ từ 6 – 8 điểm. Thí sinh muốn đạt điểm 9 trở lên không dễ bởi đề có nhiều ý, dễ sai sót, mất điểm.
Theo thanhtra.com.vn