Trượt Đại học – Cơ hội để bắt đầu

Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc, giờ là thời gian chờ đợi, lo lắng, cân nhắc chọn trường, chắc chắn ai cũng mong muốn vào được trường mình muốn.

truot-dai-hoc-de-bat-dau

Nhưng đâu phải ai cũng đạt được nguyện vọng đó. Mà sẽ có rất nhiều bạn đành ngậm ngùi nhìn “cánh cổng trường ĐH từ xa”. Hãy dành một chút thời gian đọc những câu chuyện sau đây, có lẽ những câu chuyện về họ sẽ giúp bạn tìm được lối đi cho riêng mình.

Hãy vượt qua “nỗi buồn nhỏ bé” đấy.

Chắc chắn ai cũng có cảm giác tất cả đã hết với mình, có vẻ như các bạn mất hoàn toàn phương hướng khi không vào được Đại học. Nhưng hãy xem câu chuyện của Thu – sinh viên Trường ĐH Vinh:

Nguyễn Thị Thu: “Mình quyết định thi lại, chỉ đơn giản là mình thấy mình cần tri thức, không được để bản thân mình lạc hậu, mình yêu thích việc học”.

Năm 2010, Thu từng đăng kí thi vào Đại học Vinh nhưng kết quả không được như mong muốn. “Mình hụt hẫng và ghen tị với bạn bè trong một khoảng thời gian ngắn, nhất là khi bạn bè tổ chức liên hoan mừng đỗ đại học. Bạn phải trải qua cảm giác đó bạn mới hiểu: nếu bạn yêu thích việc học, nếu gia đình và bản thân bạn đều kì vọng vào điều đó thì việc thi trượt giống như cả thế giới đều quay lưng lại với bạn vậy.”

“Mình đã vượt qua những ngày tháng u ám đó bằng những suy nghĩ tích cực. Trượt ĐH không có nghĩa là mất tất cả, chỉ là thành công bị trì hoãn mà thôi. Mình nhận ra trượt đại học giúp mình có hẳn một năm để khám phá bản thânvà tìm kiếm những điều mới mẻ. Đó cũng là khoảng thời gian để mình lựa chọn: có nên học Đại học hay không. Mình quyết định thi lại, chỉ đơn giản là mình thấy cần tri thức, không được để bản thân mình lạc hậu, mình yêu thích việc học mà thôi”, nhìn lại chặng đường đã qua, Thu mỉm cười tự hào.”

Cô bạn đó quyết định ở lại Hà Nội chấp nhận làm công nhân đến nửa năm để tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống bản thân và ôn thi. Và như mong muốn và quyết tâm, cô đã trúng tuyển vào trường.

Khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, Thu đã được các công ty du lịch “chọn mặt gửi vàng”. Thậm chí, cô bạn là sinh viên duy nhất của Đại học Vinh vinh dự được tham gia hỗ trợ dẫn tour sang Thái Lan, cơ hội “ngàn năm có một” mà rất nhiều sinh viên ngành du lịch mơ ước. Hiện nay, dù mới ra trường nhưng Nguyễn Thu đã được đảm nhiệm vị trí hướng dẫn viên du lịch của nhiều tour quan trọng.

Để có được như ngày hôm nay, cô bạn đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn đặc biệt là cú sốc trượt Đại học năm đầu tiên.

Đại học không phải là con đường thành công duy nhất

giang-thien-phu

Giang Thiên Phú: “Thua keo này ta bày keo khác, chẳng lẽ có mỗi vài ba tờ giấy thi đã đủ để ấn định cuộc đời bạn sao?”.

Với nhiều năm về trước, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đỏ, tương lai của bạn hoàn toàn rộng mở với mọi cơ hội thuộc về bạn. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, có kinh nghiệm và đam mê bạn sẽ thành công chứ không phải là tấm bằng đỏ nữa. Đại học không còn là con đường thành công duy nhất nữa.

Giang Thiên Phú không phải là cái tên xa lạ trong giới công nghệ thông tin ở Việt Nam. Anh từng từ chối cơ hội vào Đại học để đi học nghề tại Trung tâm Aprotrain Aptech. Và anh trở thành giám đốc công ty tin học năm 19 tuổi, anh cũng là trường hợp hy hữu khi vượt qua nhiều vòng thi tuyển để trở thành giảng viên của Aprotrain Aptech khi chưa có bằng đại học. Mọi người gọi anh là Bill Gates của Việt Nam.

Nhưng trước đó, anh cũng đã đăng ký dự thi tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, và không may mắn khi anh đã trượt nguyện vọng 1. Mọi người khuyên anh nộp nguyện vọng 2 để vào một trường nào đó học để ổn định hơn nhưng anh lại lựa chọn học nghề công nghệ thông tin.

Cuộc đời có thành, có bại là tự nhiên, có người thất bại có thể vượt qua để thành công sau này, nhưng cũng có người mãi mãi không thể đứng dậy được. Khi bạn còn non nớt, chưa va vấp nhiều, quen sống trong bao bọc nên mới chỉ thất bại tí ti đã tưởng như cuộc sống sụp đổ khiến các bạn có những phản ứng “cực đoan” những thất bại đó.

Là một người đã từng “trải qua thất bại đầu đời” như nhiều bạn, là một người anh đã trải qua không ít va vấp, tôi chỉ muốn nói rằng: với các bạn đậu đại học, đó mới chỉ là thành công bước đầu, mọi khó khăn của cuộc đời mới bắt đầu mở ra thôi. Còn với các bạn trượt đại học: thua keo này ta bày keo khác, chẳng lẽ có mỗi vài ba tờ giấy thi đã đủ để ấn định cuộc đời bạn sao? Rồi sau này, một lúc nào đó, một năm hai năm, thậm chí mười năm sau nhìn lại bạn sẽ thấy thất bại đó chỉ như hạt cát nhỏ so với những gì bạn đã và sắp trải qua”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *