Xét tuyển tập trung: Ảo vẫn ảo

Năm 2016, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển tập trung.

ky-thi-thpt-quoc-gia-33

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phương án này sẽ triệt tiêu lượng thí sinh ảo mà lâu nay xã hội vẫn lo ngại, tuy nhiên nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không thể chống được ảo, chuyện đó là mơ hồ.

Xét tuyển tập trung: Ảo vẫn ảo Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, xét tuyển tập trung không thể chống được thí sinh ảo. Ảnh: HH
Vội vàng

Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác xét tuyển tập trung để chỉ đạo các trường ĐH, CĐ trên cả nước thống nhất triển khai.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc tổ chức xét tuyển tập trung đối với các trường ĐH sẽ là giải pháp giải quyết một cách căn bản những vướng mắc của năm 2015, đặc biệt vấn đề thí sinh ảo cho các trường.

Trước đó, đầu tháng 4/2016, để khắc phục tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp cho các trường có thể xét tuyển theo nhóm. Tính đến cuối tháng 4/2016, đã có 11 trường ĐH đăng ký tuyển sinh theo nhóm. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, Bộ GD&ĐT lại thông báo sẽ xét tuyển tập trung. Trước thay đổi chóng mặt của Bộ GD&ĐT, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ đã quá vội vàng.

Ông Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH chia sẻ: Giáo dục luôn là vấn đề nhạy cảm, nhất là các kỳ thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, những thay đổi, điều chỉnh đều phải được đưa ra từ đầu năm học để thí sinh và các trường chuẩn bị.

Lãnh đạo 1 trường ĐH dân lập cho hay: Chỉ còn gần 2 tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia diễn ra. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy chế tuyển sinh chung. Các trường cũng đã có sự chuẩn bị về mặt kĩ thuật, cơ sở vật chất. Giờ Bộ lại đột ngột thay đổi sẽ khiến cả các trường và thí sinh rơi vào trạng thái bị động. Đáng ra, Bộ cần phải chạy thử phần mềm trước rồi mới áp dụng, nhiều người lo lắng phần mềm lại bị tắc ghẽn như năm ngoái.

ky-thi-thpt-quoc-gia-40

Bộ không làm xuể?

Trao đổi về phương án xét tuyển tập trung, PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông thẳng thắn, Bộ cho rằng phương án xét tuyển tập trung sẽ chống được ảo, tuy nhiên, theo tôi không có cách nào chống ảo, câu chuyện đó là mơ hồ vì thí sinh vẫn được nộp 2 trường. Các thí sinh đạt điểm cao thường đỗ cả 2 trường ĐH và đương nhiên bao giờ thí sinh nộp giấy báo điểm vào trường nào thì trường đó mới biết được thí sinh đến học. Trong khi đó, thí sinh được quyền chọn 2 nguyện vọng, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 lại tương đương nhau.

Theo ông Lập, Bộ không thể “ôm” hết được nếu cả nước chỉ có 1 phần mềm tuyển sinh chung thì sẽ rối ren ngay, không tuyển sinh được.

“Nếu bộ “ôm” làm hết mọi việc, các trường chỉ gửi dữ liệu lên thì bộ không thể làm nổi và quyền tự chủ của các trường sẽ không có”.

Đưa ra lời giải cho bài toán này, ông Lập cho rằng, có 3 việc Bộ nên làm: Thứ nhất, chuẩn bị toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin thật tốt để đảm bảo tất cả thí sinh đăng ký online không tắc nghẽn, các trường cũng truy cập được để cập nhật dữ liệu. Thứ hai, phải có cơ sở dữ liệu chung toàn quốc. Thứ ba, làm phần mềm tuyển sinh thật khoa học để thuận lợi cho các trường. “Phần mềm của Bộ phải để cho tất cả các trường nhìn thấy có bao nhiêu học sinh đăng ký vào trường mình để tránh ảo vì chỉ nhích lên 0,5 điểm ở nguyện vọng 1 thì điểm chuẩn và chỉ tiêu ở nguyện vọng 2 đã “nhảy múa”- ông Lập nhấn mạnh.

Chung quan điểm, PGS Văn Như Cương lấy dẫn chứng từ việc tuyển sinh năm ngoái: Năm 2015, Bộ GD&ĐT giữ toàn bộ dữ liệu điểm thi nên việc tra cứu bị tắc nghẽn, vì thế Bộ GD&ĐT không nên “ôm đồm” tất cả. Việc xét tuyển cần giao tự chủ cho các trường. Đó là chưa kể, việc sử dụng phần mềm xét tuyển chung còn phụ thuộc khâu bảo mật. “Liệu Bộ GD&ĐT có đảm bảo sự bảo mật tuyệt đối?” PGS đặt câu hỏi.

Theo thanhtra.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *