Thi THPT Quốc gia mỗi trường 1 kiểu tổ chức khác nhau

Kỳ thi THPT Quốc gia sắp diễn ra và kiểu tổ chức thi và xét tuyển ĐH tương đối các trường khác nhau.

ky-thi-thpt-quoc-gia-34

Kỳ thi THPT quốc gia 2016, tỉnh Long An chỉ tổ chức một loại cụm thi ĐH dành cho thí sinh xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ. Cụm thi này do Trường ĐH Sài Gòn chủ trì, phối hợp cùng Sở GD-ĐT Long An.

TS Mỵ Giang Sơn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn – cho biết cụm thi này sẽ có 8 nhóm điểm thi, bố trí rải rác ở TP Tân An và các huyện phụ cận.

Trong số 8 nhóm điểm thi nói trên có 7 nhóm điểm thi tại Long An gồm: Tân An (dành cho học sinh các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường và TP Tân An, Thạnh Hóa), Thạnh Hóa (dành cho học sinh huyện Thạnh Hóa và Tân Thạnh), Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức và Cần Đước.

Nhóm điểm thi còn lại đặt tại Trường ĐH Sài Gòn (bao gồm 2 điểm thi) dành cho học sinh huyện Cần Giuộc, Trường THPT Đức Hòa, THPT Võ Văn Tần, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Võ Văn Tần (huyện Đức Hòa), THCS và THPT Mỹ Quý (huyện Đức Huệ).

TS Mỵ Giang Sơn cho biết học sinh, các trường THPT và Sở GD-ĐT Long An đã đề nghị với Trường ĐH Sài Gòn tổ chức điểm thi tại trường vì điều kiện đi lại của học sinh các huyện trên sẽ thuận lợi hơn so với về Tân An, các điều kiện ăn ở cũng tốt hơn. Trường đã có công văn gửi UBND TP.HCM cùng Bộ GD-ĐT và đã được chấp thuận phương án này.

“Sở GD-ĐT Long An đề nghị tổ chức điểm thi ở tất cả các huyện, với lý do tạo thuận lợi nhất cho học sinh. Trường đề xuất phương án chỉ tổ chức điểm thi tập trung tại Tân An và Trường ĐH Sài Gòn. Sau nhiều cuộc họp, hai bên thống nhất phương án trung dung như trên.

Việc bố trí nhiều nhóm điểm thi rải rác như vậy thì công tác tổ chức sẽ vất vả hơn, việc vận chuyển đề thi, điều động cán bộ coi thi cũng cực hơn. Nhưng để thuận lợi nhất cho học sinh, hai bên đã quyết định chọn phương án 8 nhóm điểm thi như vậy” – ông Sơn nói thêm.

Tỉnh Bình Phước cũng chỉ tổ chức một cụm thi ĐH do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chủ trì. Các điểm thi được bố trí tại ba địa điểm khác nhau.

ThS Nguyễn Ngọc Thái – chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết sau khi khảo sát, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh không phải di chuyển quá xa, tránh áp lực cho một điểm thi nên trường quyết định bố trí các điểm thi tại thị xã Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long.

Tương tự, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chỉ tổ chức một cụm thi ĐH do Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ trì. Các điểm thi được bố trí tại hai nơi là TP Bà Rịa và TP Vũng Tàu.

Một đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết việc tổ chức các điểm thi ở hai nơi như vậy sẽ vất vả hơn, nhưng học sinh sẽ thuận lợi trong việc di chuyển.

Cụm thi tại Tây Ninh do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì, cũng tổ chức các điểm thi ở hai nơi là TP Tây Ninh và huyện Hòa Thành.

Ông Phạm Thái Sơn – phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho biết: “Việc đưa các điểm thi về huyện nhằm đảm bảo các điểm thi là trường THPT, hạn chế chọn trường THCS làm điểm thi. Chúng tôi cũng đã khảo sát vấn đề nhà trọ tại TP Tây Ninh và nhận thấy số lượng phòng trọ không nhiều, nên phải đưa về huyện để giảm áp lực nhà trọ, đảm bảo thí sinh và phụ huynh sẽ thuận lợi trong việc tìm nhà trọ”.

Trong khi đó, hầu hết cụm thi ĐH khác đều được tổ chức tập trung tại một điểm. Các điểm thi tại cụm Khánh Hòa đều đặt tại TP Nha Trang, cụm Bến Tre tổ chức tại TP Bến Tre, cụm Gia Lai tổ chức tại Pleiku, cụm An Giang tổ chức tại Long Xuyên, cụm Vĩnh Long tổ chức tại Vĩnh Long, các điểm thi cụm Bình Định đều đặt tại TP Quy Nhơn, toàn bộ điểm thi cụm Bình Thuận đều đặt tại TP Phan Thiết…

Riêng các cụm thi tốt nghiệp do sở GD-ĐT các địa phương chủ trì đều nằm rải rác ở các huyện, thị trong tỉnh.

ky-thi-thpt-quoc-gia-21

Không mời giáo viên địa phương chấm thi

Mặc dù tổ chức ở các địa phương, nhưng các trường ĐH sẽ đem bài thi về trường để chấm. Tuy nhiên, nguồn cán bộ chấm thi ở các trường khá khác nhau.

TS Trần Đình Lý – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, trường chủ trì cụm thi ĐH tại Gia Lai – cho biết bài thi sẽ được vận chuyển về trường để chấm, lưu trữ và phục vụ việc phúc khảo, chấm thẩm tra.

“Toàn bộ cán bộ chấm thi là giảng viên của trường, giáo viên THPT ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là những người đã chấm bài thi cho trường nhiều năm nay và làm việc rất tốt. Trong trường hợp không đủ cán bộ chấm thi, trường mới mời giáo viên THPT tỉnh Gia Lai chấm bài.

Quy định của Bộ GD-ĐT có đề cập việc tăng cường giáo viên THPT chấm thi nhưng không nói rõ đó là giáo viên của địa phương hay do trường mời, nên trường quyết định sử dụng nguồn giáo viên đã cộng tác với trường những năm qua” – TS Lý nói.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Đức Minh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chủ trì cụm thi ĐH tại Đồng Nai – cho biết trường đã có công văn gửi Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị giới thiệu giáo viên chấm bài thi THPT quốc gia. 50% cán bộ chấm thi là giáo viên THPT.

Trong trường hợp không có đủ giáo viên từ giới thiệu của sở, trường sẽ trực tiếp mời giáo viên bên ngoài. Bộ không cấm mời giáo viên địa phương chấm bài, nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nên mời giáo viên địa phương chấm bài học sinh của mình để đảm bảo khách quan. Vì vậy, trường sẽ không mời giáo viên Đồng Nai tham gia chấm bài.

Trong khi đó, một số trường lại mời giáo viên địa phương chấm nhưng tỉ lệ rất khác biệt. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – chủ trì cụm thi ĐH tại Tây Ninh – dự kiến số giáo viên tỉnh Tây Ninh tham gia chấm bài thi sẽ chiếm 50% tổng số cán bộ chấm thi. Tuy nhiên, những vị trí như thư ký, trưởng môn chấm, chấm thẩm tra là người của trường đảm trách.

TS Mỵ Giang Sơn cho biết có mời giáo viên tỉnh Long An tham gia chấm bài thi nhưng số lượng rất ít, phần lớn cán bộ chấm thi là cán bộ của trường và giáo viên tại TP.HCM.

Theo tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *