Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện tổ chức thi THPT Quốc gia. Thí sinh sẽ được thi ngoại ngữ nếu đã có chứng chỉ ?
- Thắt chặt quy chết phúc khảo bài thi kỳ thi THPT Quốc gia 2016
- Có nên phân biệt kết quả thi THPT Quốc gia tại 2 cụm thi?
- Bí quyết tự học ôn thi cấp tốc THPT Quốc gia 2016
Hình thức thi ngoại ngữ trắc nghiệm và viết.
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ có 8 môn, gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và các môn tự chọn là lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học.
Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Các môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, riêng đề thi môn ngữ văn có 2 phần là đọc hiểu và làm văn.
Theo Bộ GD-ĐT, với môn ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi (ĐKDT) một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức hoặc Nhật. Thí sinh được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.
Thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT nếu là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ GD-ĐT hoặc có một trong các chứng chỉ có giá trị sử dụng tính đến ngày 1-7-2016 theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Thí sinh cũng được sử dụng chứng chỉ môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông để được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2016.
Thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được chọn địa điểm nộp hồ sơ ĐKDT tại một trong các đơn vị ĐKDT do các sở GD-ĐT quy định nhưng phải dự thi tại cụm thi mà các thí sinh đang học THPT của đơn vị ĐKDT. Thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển ĐH, CĐ được lựa chọn thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì và nộp hồ sơ ĐKDT tại địa điểm phù hợp với điều kiện của thí sinh. Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2016 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi THPT trước.
50% cán bộ coi thi là giảng viên ĐH
Thời hạn ĐKDT kéo dài từ 1 đến 30-4; sau ngày 30-4, thí sinh không được thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi đã đăng ký.
Theo quy định của quy chế thi, hiệu trưởng trường ĐH chủ trì cụm thi ĐH thành lập hội đồng thi để tổ chức thi. Sở GD-ĐT địa phương và trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức cụm thi. Căn cứ số lượng thí sinh ĐKDT tại cụm thi và điều kiện thực tế, hiệu trưởng trường ĐH quyết định số điểm thi và số lượng thành viên hội đồng thi, bảo đảm số cán bộ, giảng viên của trường ĐH chủ trì cụm thi làm công tác coi thi chiếm ít nhất 50% số cán bộ, giảng viên của trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức, chiếm ít nhất 20% số cán bộ coi thi tại mỗi điểm thi của hội đồng thi. Cán bộ chấm thi phải là giáo viên THPT và giảng viên ĐH, CĐ.
Theo Bộ GD-ĐT, khu vực in sao đề thi phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy chữa cháy. Trong khu vực in sao đề thi, không được sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, các loại điện thoại, trừ 1 điện thoại cố định có loa ngoài SP-phone đặt tại vòng 2 được cán bộ công an kiểm soát 24/24 giờ. Mọi cuộc liên lạc đều phải bật loa ngoài, phải ghi biên bản hoặc ghi âm.
Đối với cụm thi tốt nghiệp, giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì cụm thi thành lập hội đồng thi để tổ chức thi, quyết định số điểm thi và số lượng thành viên hội đồng thi. Các trường ĐH, CĐ phối hợp cử cán bộ tham gia các khâu tổ chức thi; bảo đảm số lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ làm công tác coi thi chiếm ít nhất 50% số cán bộ coi thi tại mỗi điểm thi của hội đồng thi; số lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ làm công tác giám sát phòng thi chiếm ít nhất 50% số cán bộ giám sát phòng thi tại mỗi điểm thi của hội đồng thi.
Theo nld.com.vn