30-4 là hạn chót nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia, thí sinh vẫn né môn Sử và đa số đăng ký 4-5 môn thi theo tổ hợp xét tuyển ĐH
- Nhiều thí sinh dự thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp?
- Trúng tuyển nhưng không nhập học, có được xét tuyển đợt sau?
- Thí sinh nào được tuyển thẳng Đại học Y Hà Nội?
Không nhiều thí sinh lựa chọn môn Sử
Ghi nhận tại Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP HCM), trong số 5 môn tự chọn thì sử có ít học sinh (HS) đăng ký thi nhất với 14/650 em trong khi môn địa có tới 280 em, vật lý 200 em, hóa 120 em, sinh 40 em. Bà Tô Hạ Uyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp, cho rằng môn địa dễ có điểm cao nên nhiều HS đăng ký, còn lịch sử rất khó có điểm cao. Ở nhiều trường khác, tình hình cũng tương tự.
Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP HCM) năm nay có 940 HS khối 12 nhưng chỉ có 14 em đăng ký thi môn sử. Bà Lê Minh Thùy Trang, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết môn vật lý có nhiều HS đăng ký thi nhất với 850 em, kế đến là môn hóa 440 em, môn sinh không nhiều và địa cũng rất ít, với 29 em.
Bà Trang cho rằng sở dĩ HS chọn môn vật lý, hóa nhiều bởi các em có thể xét tuyển được ở nhiều khối thi và HS của trường chủ yếu mạnh ở các môn tự nhiên. Ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), ngoài 3 môn bắt buộc, các môn thi còn lại đều có HS đăng ký. Bà Đỗ Thị Bích Duyên, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong số 354 HS của trường thì chỉ có 18 em thi sử, 17 em thi địa, môn vật lý nhiều nhất với 265, kế đến là hóa 145, sinh 48 em.
Khác với các trường trên, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) không có HS đăng ký thi môn sử. Theo ông Phạm Đức Hùng, hiệu trưởng nhà trường, năm nay có 400 HS khối 12 tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, tiếng Anh thì HS ở trường đăng ký môn tự chọn nhiều nhất là vật lý với trên 50%, môn hóa khoảng 40%, địa và sinh cùng tỉ lệ 20%, riêng lịch sử không có HS đăng ký. Ông Hùng cho biết thời gian đầu cũng có HS đăng ký thi sử nhưng sau đó thay đổi. Theo ông Hùng, các em không thi sử không đồng nghĩa với việc không thích sử mà do môn này khó có điểm cao như các môn khác trong khi HS được quyền chọn môn thi.
Không còn chọn nhiều môn
Bà Lê Minh Thùy Trang cho biết ở Trường THPT Nguyễn Công Trứ, đa số HS đăng ký thi 4 môn; số đăng ký thi 5 môn không nhiều, chỉ 250 em. Với việc thi 3 môn bắt buộc là toán, văn, tiếng Anh và môn tự chọn là vật lý thì HS đã có thể xét tuyển ở nhiều tổ hợp môn.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), chủ yếu HS đăng ký thi 4 môn, số thi 5 môn không nhiều. Bà Đỗ Thị Bích Duyên, hiệu trưởng nhà trường, thông tin: HS của trường chủ yếu xét tuyển khối D (toán, văn, tiếng Anh). Do vậy các em đăng ký thi 4 môn là chủ yếu vì để lấy kết quả xét tốt nghiệp.
Ở Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), đa số HS đăng ký thi 5 môn. Theo bà Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng nhà trường, HS từ lớp 10 đã được định hướng theo ban. HS theo định hướng khối A thì ngoài 3 môn bắt buộc cần phải thi thêm vật lý và hóa, khối B thi thêm vật lý và sinh… Với việc thi 5 môn, HS có khá nhiều tổ hợp môn để xét tuyển. “Với những HS xuất sắc, các em có thể đăng ký thi 6 môn tùy ý nhưng với những HS cần định hướng thì trường không khuyến khích các em thi nhiều môn bởi cần tập trung vào những môn thi để xét tuyển ĐH” – bà Cúc thông tin.
Theo bà Tô Hạ Uyên, năm nay, HS không đăng ký thi nhiều môn như năm 2015 mà chủ yếu thi 5 môn. Việc các em thi ít môn khẳng định một điều rằng các em đã kiên định với những môn thi, khối thi đã chọn từ đầu. Năm ngoái có những HS đăng ký thi tới 7, thậm chí 8 môn nhưng kết quả không tốt do đầu tư dàn trải.
Theo nld.com.vn