Cuối tuần này (30/4) là hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng nhiều thí sinh vẫn nhầm lẫn khi điền thông tin vào hồ sơ, do đó cần lưu ý một số nội dung khi làm hồ sơ thi THPT quốc gia, cũng như xét tuyển Đại học.
- Cả trường 6 thí sinh chọn thi môn Sử, Sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia
- Những kiến thức Địa lý nắm vững trước kỳ thi THPT Quốc gia 2016
Làm hồ sơ dự thi THPT Quốc gia cần lưu ý những gì?
Trao đổi với Ông Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội.
– Các em mắc lỗi về dữ liệu của cá nhân như số CMND; ngày, tháng, năm sinh. Những sai sót đó, các em hoàn toàn có thể sửa đổi ngay trước kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, có những trường hợp sai về ưu tiên đối tượng và khu vực (KV), dẫn tới những vấn đề không đáng có. Chẳng hạn, các em được cộng thêm điểm mà đáng lẽ không được hưởng, sau khi trúng tuyển, trường ĐH thực hiện hậu kiểm sẽ khước từ những trường hợp này, các em bị lỡ cơ hội có thể vào trường khác. Vì thế, khi làm hồ sơ, các em nên xem thông tin chi tiết quy định ưu tiên theo đối tượng và KV trong quy chế thi kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, các em chú ý việc nhập dữ liệu qua hệ thống online, phom thiết kế hồ sơ của Bộ GD&ĐT có mục Chỉnh sửa. Trong quá trình thi THPT quốc gia, các em phát hiện có sai sót trong nhập dữ liệu thì hoàn toàn có thể hiệu đính.
Về đối tượng ưu tiên, ông có lưu ý gì về việc này?
– Tôi chỉ có một lưu ý đối với các em là năm nay, những điểm mới tập trung chủ yếu vào ưu tiên KV 1. Ở đây, các em chú ý quy định lưu trú 8 tháng trở lên tính đến thời gian thi. Về KV các em đang sống (KV1, KV2, KV2-NT, KV3) đã được định nghĩa rõ và những xã vùng ven biển, hải đảo đã được thống kê trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Một số TS tự do thắc mắc vì bị mất học bạ, em thì chưa có CMND khi đăng ký xét tuyển ĐH. Các trường hợp này phải làm thế nào, thưa ông?
– Quy chế thi THPT quốc gia năm nay có điểm mới là các em không có CMND vẫn được vào thi. Tất nhiên, các em phải có giấy cam đoan và trong thời gian nhanh nhất phải đi làm lại. Trường hợp mất học bạ, chắc chắn một số trường như ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển dựa trên điều kiện sơ loại thì các em phải trình được kết quả học tập của 3 năm học THPT. Những điều kiện này sẽ được kiểm tra sau khi TS đã trúng tuyển vào trường. Do vậy, trường hợp những em mất học bạ có thể đến trường đã học để sao lưu, làm sao chứng minh cho nhà trường văn bản chân thực nhất về tình hình học tập của mình.
Đối với những trường ĐH tuyển sinh theo nhóm, khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển, TS cần lưu ý điều gì?
– Các em sử dụng phom mẫu được thiết kế cho nhóm trường này. Về căn bản, phom không khác nhiều so với mẫu quy định của Bộ GD&ĐT dành cho TS. Tuy nhiên, đặc thù của tuyển sinh theo nhóm trường là phải sắp xếp các nguyện vọng, tối đa là 4 theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, cho nên phần cuối của phom được thiết kế khác, đây là điều TS cần chú ý. Các phom của nhóm trường và Bộ GD&ĐT được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để các em tải về.
Trường hợp một TS đăng ký xét tuyển sinh một trường trong nhóm và một trường bên ngoài, sẽ làm 2 phom hồ sơ. Đó là mẫu thông thường của Bộ GD&ĐT để xét tuyển sinh trường bên ngoài và phom riêng theo nhóm trường. Chú ý nếu đăng ký theo trường trong nhóm, các em có tối đa 4 trường và 4 nguyện vọng; nhưng các em đăng ký 2 trường trong nhóm thì không còn quyền để xét tuyển trường bên ngoài. Tôi nhấn mạnh, trong các phom đều có một phần đánh dấu để các trường biết TS có tuyển sinh trường trong nhóm hay bên ngoài không.
Xin cảm ơn ông!
Trích nguồn : Kinh tế đô thị Online