Thí sinh ảo trong các kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh CĐ, ĐH năm nào cũng có. Vậy phương pháp nào năm nay sẽ giúp thí sinh ảo giảm bớt?
- Sức khỏe loại 2 vẫn được xét tuyển vào trường quân đội
- Xét tuyển thẳng đại học thí sinh phải nộp hồ sơ trước ngày 10/8
- Thêm địa điểm đánh giá năng lực học sinh tại Hà Nội
PGS.TS Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội – một trong 10 trường ĐH tham gia tuyển sinh theo nhóm trường cho rằng: Việc xét tuyển ĐH theo nhóm trường là giải pháp cần thiết giúp giảm tỷ lệ thí sinh “ảo” trong mùa tuyển sinh năm nay.
Theo PGS Trần Đức Quý, quan điểm của Bộ GD&ĐT trong công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 là vẫn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Bởi vậy, trong đợt 1, thí sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường với tối đa 4 ngành; các đợt tiếp theo được đăng ký vào 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Khác với năm trước, cũng được chọn tối đa 4 ngành nhưng chỉ trong một trường ĐH.
Việc thí sinh được tăng nguyện vọng cũng đồng nghĩa với tỷ lệ “ảo” sẽ tăng. Phương thức tuyển sinh theo nhóm trường là một hướng giúp giảm “ảo”, đồng thời cũng giúp các trường tham gia nhóm có thể tuyển đủ thí sinh ngay trong đợt 1. Mà các trường thu hút đông thí sinh đã tuyển đủ trong đợt 1 rõ ràng cũng tạo điều kiện cho các trường top sau tuyển sinh dễ dàng hơn.
– Ông có thể chia sẻ rõ hơn về phương thức tuyển sinh theo nhóm trường?
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với kinh nghiệm tuyển sinh trong nhiều năm, cùng sự nghiên cứu những thay đổi trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT năm nay đã quyết định tham gia vào nhóm trường.
Chúng tôi đã có hai phiên họp với sự có mặt của lãnh đạo 10 trường tham gia nhóm để thống nhất chung trong xét tuyển.
Nguyên tắc chung là đảm bảo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT, tính linh hoạt của các trường, đảm bảo được sự tự chịu trách nhiệm của các trường trong tuyển sinh; giảm “ảo” và tuyển được sinh viên phù hợp với trường mình.
Hãy hình dung, nếu trước đây mỗi trường xét tuyển theo một phương án thì nay 10 trường cùng thống nhất, giống như một trường lớn, thống nhất sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, áp dụng chung một nguyên tắc xét tuyển vào các nhóm ngành của các trường trong nhóm, áp dụng một cách thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, theo quy chế tuyển sinh hiện hành; sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý.
Phương án nhóm trường cũng rất thuận lợi cho việc đăng ký của thí sinh. Ví dụ, nếu em muốn đăng ký vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhưng vì khoảng cách xa, em có thể liên hệ đến bất kỳ trường nào trong nhóm, thuận tiện cho việc đăng ký, trường đó cũng có trách nhiệm giúp các em. Thủ tục đăng ký không khác gì mọi năm online nhiều hơn và có thể sửa online được.
– Ông có lưu ý gì cho các thí sinh sẽ tham gia xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm năm nay?
Khi đề án chính thức được thông qua, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo để công bố cụ thể, trong đó có chi tiết các vấn đề về thủ tục, quy trình đăng ký để người học rõ.
Để tăng cơ hội trúng tuyển, trước khi đăng ký nguyện vọng, các em nên nghiên cứu thông tin các trường, cơ hội việc làm, sở thích, năng lực và tính đến cả yếu tố điểm chuẩn các năm trước; chỉ tiêu từng ngành để lượng sức… Nếu đã xác định rõ, nên tập trung các nguyện vọng vào một trường thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.
– Được biết, Trường ĐH Công nghiệp năm nay được phân công chủ trì cụm thi ĐH tại Nam Định, trong khi đó trường có cơ sở lớn tại Hà Nội và Hà Nam. Vậy thực hiện nhiệm vụ này nhà trường có gặp khó khăn gì không?
Kỳ thi THPT quốc gia chủ trương tạo thuận lợi cho thí sinh, người học. Thực tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều trường ĐH, trong đó nhiều trường có khả năng chủ trì cụm thi, trong khi đó một số tỉnh lại thiếu.
Do đó, Bộ GD&ĐT phân công một số trường về đia phương chủ trì cụm thi THPT quốc gia dành cho thí sinh dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Khi phân công, tiêu chí của Bộ là cố gắng làm sao để khoảng cách di chuyển của cán bộ, giáo viên các trường về địa phương là gần nhất; đồng thời căn cứ vào năng lực, quy môn từng trường.
Nam Định là tỉnh có lượng thí sinh ĐKDT hàng năm đông. Năm nay, khảo sát ban đầu, có khoảng 17.000 thí sinh Nam Định thi tại cụm đại học. Do đó, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội được giao chủ trì cụm thi này, phối hợp với Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tối thiểu 50% cán bộ, giáo viên trường ĐH chủ trì tham gia coi thi, nghĩa là một phòng thi phải có tối thiểu 1 người của Trường ĐH Công nghiệp. Do đó, số lượng cán bộ, giảng viên của trương tham gia coi thi ở Nam Định rất lớn. Do đó, chắc chắn sẽ khó khăn trong công tác đi lại, ăn ở trong mấy ngày diễn ra kỳ thi. Tuy nhiên, nhà trường sẽ cố gắng thực hiện thật tốt để hoàn thành nhiệm vụ với mục tiêu tất cả vì thí sinh.
Vấn đề chúng tôi lo nhất là tại địa điểm mới là vấn đề an ninh. Do đó, phải quan tâm đến cơ chế phối hợp với địa phương để đảm bảo an toàn tốt nhất.
Theo quy định, Ban chỉ đạo coi thi các địa phương có đồng chí lãnh đạo tỉnh là trưởng ban, lãnh đạo trường ĐH chủ trì là phó ban chỉ đạo. Do đó, về cơ sở vật chất, an ninh… lãnh đạo tỉnh, địa phương phải hỗ trợ đắc lực thì các trường mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi.
– Thời điểm này, Trường ĐH Công nghiệp đã chuẩn bị những gì để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm đầu tiên không tổ chức thi tại “sân nhà”?
Năm 2015 chúng tôi đã có khảo sát ban đầu tại Nam Định nên nắm được khá rõ các trường ĐH, CĐ, trường THPT nằm trên địa bàn.
Năm nay, khi chính thức được phân công chủ trì cụm thi ĐH tại Nam Đinh, nhà trường cũng hình dung được những khu vực nào có thể đặt địa điểm thi.
Tuần tới, chúng tôi sẽ có đoàn xuống khảo sát lại những vị trí đó, truóc hết ưu tiên khu vực thị xã và thành phố để thuận lơi cho thí sinh; đồng thời xem xét các dịa điểm phù hợp để đặt Ban chỉ đạo, thuận lợi cho công chỉ đạo, đi lại, ăn ở của các thầy cô.
Phương án di chuyển của khoảng 600 cán bộ, giảng viên cũng được tính toán kỹ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Nhà trường cũng chủ động liên hệ với Sở GD&ĐT Nam Định để phối hợp chuẩn bị các điều kiện, thành lập Ban chỉ đạo, Ban coi thi, Ban chấm thi, các thủ tục theo quy định của Bộ GD&ĐT…
– Cuối cùng, xin ông chia sẻ một số điểm mới trong công tác xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm nay?
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội giảm 200 chỉ tiêu ĐH chính quy; có thêm 2 ngành mới là ngành Kỹ thuật máy tính (khoa Điện tử); ngành Công nghệ thông tin (khoa CNTT) và 1 chuyên ngành mới là Dầu khí (khoa Công nghệ Hóa). Còn lại, tổ hợp xét tuyển vào các ngành trong trường vẫn như mọi năm.
– Xin cảm ơn ông!
Theo giaoducthoidai.vn