Kỳ thi THPT Quốc gia đang đến rất gần và thí sinh cần có những giai đoạn ôn thi hợp lý với môn Vật lý để đạt kết quả cao.
- Môn địa có nhiều thí sinh Hà Nội chọn thi nhất kỳ thi THPT Quốc gia
- Chỉnh sửa đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2016 còn khó khăn
- Khối A mất ngôi đầu trong số môn thi được lựa chọn
Môn Vật lí vẫn áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan trong thời gian 90 phút với 50 câu hỏi, nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình Vật lí 12 Ban cơ bản và bao phủ 7 chương, nhưng nội dung đề thi có tính phân hóa rất cao và theo xu hướng tích hợp kiến thức giữa các phần, tăng nội dung liên hệ với thực tiễn.
Dựa vào đặc điểm của môn học, cấu trúc đề thi và hình thức thi, thực trạng về năng lực và thời gian học của học sinh tại trường, thạc sỹ Tạ Thị Hương Giang – Giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm chia sẻ kinh nghiệm trong hướng dẫn học sinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Vật lí với 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Xây dựng kế hoạch hướng dẫn học sinh ôn tập
Với giai đoạn đầu tiên này, thạc sĩ Tạ Thị Hương Giang cho rằng, giáo viên nên hướng dẫn ôn thi theo từng chuyên đề.
Cụ thể, hướng dẫn học sinh nắm chắc các kiến thức lí thuyết cơ bản, hiểu bản chất của các hiện tượng và các định luật, ghi nhớ các công thức.
Hướng dẫn học sinh làm các dạng bài tập từ cơ bản đến nâng cao theo từng chủ đề kiến thức. Ban đầu cho học sinh làm bài tự luận để thành thạo kĩ năng giải từ đó rút ra các công thức giải nhanh; sau đó cho học sinh làm hệ thống bài trắc nghiệm vận dụng đa dạng, phát triển bài toán theo nhiều hướng khác nhau.
Giai đoạn 2: Tổng ôn tập theo chuyên đề.
Theo thạc sĩ Tạ Thị Hương Giang, giai đoạn này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tóm tắt lí thuyết một cách logic theo từng chủ đề của từng chương, lập bảng so sánh các kiến thức tương tự, xây dựng hệ thống công thức sao cho dễ nhớ, dễ vận dụng và dễ liên hệ các kiến thức với nhau.
Cùng với đó, hướng dẫn học sinh ôn tập bài tập bằng hệ thống các bài tập trắc nghiệm theo từng chủ đề, mỗi chủ đề phân theo từng dạng bài cụ thể; vận dụng ở nhiều tình huống đa dạng, khai thác vấn đề dưới nhiều góc độ.
Giai đoạn 3: Thi thử và luyện giải các đề thi
Ở giai đoạn này, qua các lần thi thử do trường tổ chức, kết hợp với các buổi luyện giải đề có khống chế thời gian làm bài để giúp học sinh rèn luyện kĩ năng làm bài thi.
Thạc sĩ Tạ Thị Hương Giang lưu ý việc phân loại học sinh theo năng lực học để có phương pháp hướng dẫn phù hợp, tập trung vào những nội dung kiến thức vừa sức với từng đối tượng.
Theo đó, với những học sinh học lực trung bình và trung bình – khá: Đặt cho học sinh mục tiêu đạt 5 đến 7 điểm. Cần tập trung hướng dẫn các kiến thức cơ bản, cho học sinh trả lời thành thạo các câu hỏi lí thuyết và các dạng bài tập ở mức độ nhận biết, thông hiểu.
Với những học sinh học lực khá và giỏi: Đặt cho học sinh mục tiêu đạt 8 điểm trở lên. Ngoài yêu cầu về các kiến thức cơ bản, cần tập trung hướng dẫn học sinh ôn tập những kiến thức nâng cao về mặt bản chất vật lí của hiện tượng, vận dụng tổng hợp và sâu kiến thức Toán – Vật lí, ôn lại các kiến thức trọng tâm trong chương trình Vật lí 10,11.
Hướng dẫn học sinh xây dựng hệ thống công thức mở rộng, các vấn đề phát triển từ mỗi bài toán sao cho học sinh giải quyết được các nội dung ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Cùng với phân loại học sinh là lựa chọn các câu hỏi và bài tập để thường xuyên rèn luyện cho học sinh kĩ năng, cụ thể như:
Phân tích được bản chất vật lí của hiện tượng. Đổi và sử dụng đúng các đơn vị, tính toán và tính nhẩm nhanh, bấm máy tính nhanh và chính xác. Nhận biết và giải thích được các ứng dụng của kiến thức Vật lí trong đời sống, kĩ thuật.
Khi ôn tập thi THPT quốc gia trên lớp, giáo viên nên chia học sinh thành các nhóm nhỏ có cả học sinh khá – giỏi và học sinh trung bình, học sinh yếu để các em thảo luận, giúp nhau học; giao việc để học sinh tự học ở nhà.
Xem thêm: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Vật Lý
Theo giaoducthoidai.vn