Đề thi kỳ thi THPT Quốc gia 2016 nhìn chung vẫn được giữ nguyên như năm 2015, các câu hỏi ở mức độ cơ bản trong đề thi năm 2016 chiếm khoảng 60%.
- Đề thi THPT Quốc gia 2016 không quá khó?
- Đề thi THPT Quốc gia 2016 sẽ thế nào?
- Đề thi THPT Quốc gia 2016 không quá khó?
Thí sinh cần ôn tập cẩn thận bởi đề thi 2016 sẽ có tính phân loại cao
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đề thi 2016 sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản đảm bảo các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm được để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và các câu hỏi ở mức độ nâng cao để phân loại học sinh giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thuận lợi.
Đề thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Các câu hỏi ở mức độ cơ bản trong đề thi chiếm khoảng 60%, đảm bảo các thí sinh làm bài đạt mức điểm đủ để công nhận tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi ở mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thứ trưởng Hiển khẳng định: “Với việc ra đề theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước; hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện. Theo đó, sẽ tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao trong số 40% các câu hỏi yêu cầu nâng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015”.
Điểm thi tính đến 0,25
Dự thảo thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia năm 2016, quy định chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
Theo đó, việc chấm thi vẫn giữ thang điểm 10, riêng việc làm tròn điểm các bài thi trắc nghiệm sẽ thay đổi. Nếu theo quy chế hiện hành, quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm thì dự thảo mới làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, bộ đưa ra quy định mới nhằm khắc phục tối đa hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức chấm thi.
Ông Nghĩa cho biết, mùa tuyển sinh trước, nhiều thí sinh lên tiếng về việc chịu thiệt thòi khi làm tròn điểm. Có em được 4,4 thì làm tròn thành 4,5, em được 4,6 bị làm tròn xuống 4,5. Nếu em đó không may mắn bị làm tròn xuống ở cả ba môn trắc nghiệm thì là thiệt thòi lớn.
Được biết, các Phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng. Phần mềm chấm phải có chức năng kiểm dò và xác định được các lỗi để chấm đúng theo quy chế thi.
Với chấm thi tự luận, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.
Dự thảo mới về Quy chế thi đề thi THPT quốc gia 2016, Bộ sửa đổi quy định, trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các CBChT đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi có điều chỉnh điểm. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định.