Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, nhiều trường Đại học chủ trì cụm thi đã làm phách bài thi và đã bắt đầu chấm thi.
- Lịch xét tuyển Cao đẳng, Đại học năm 2016
- Kết quả thi THPT Quốc gia 2016 được công bố thế nào?
- Chấm thi THPT Quốc gia 2016: Làm sao chống thiên vị?
Tất cả các trường ĐH ở TP.HCM chủ trì cụm thi các tỉnh đều đưa bài thi về TP.HCM để chấm. Đáng chú ý một số trường không sử dụng giáo viên tỉnh nhà tham gia khâu chấm thi.
Công tác chấm thi THPT Quốc gia được triển khai ngay
ThS Trần Thị Nguyệt Sương, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết hội đồng thi trường đưa bài thi về TP.HCM mỗi ngày và bắt đầu làm phách bài thi từ ngày 2-7.
Nhà trường huy động hơn 190 cán bộ coi thi là giảng viên của trường, giáo viên các trường THPT ở TP.HCM, tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Ngày 5-7, trường bắt đầu chấm thi các môn tự luận, bài thi các môn trắc nghiệm cũng được quét từ ngày 6-7.
Còn TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cho biết nhà trường đã phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM huy động tối đa lực lượng chấm thi và dự kiến ngày 18-7 chấm xong. Trường không hợp đồng riêng lẻ với giáo viên chấm thi như trước đây.
Nhà trường còn nhận chấm các môn thi xã hội cho tất cả các trường thành viên ĐHQG TP.HCM. Riêng môn toán nhà trường gửi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chấm.
TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết ngày 4-7 trường làm phách bài thi và sẽ triển khai chấm thi ngay sau đó.
Trong khi đó TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), cho hay nhà trường đã làm phách bài thi ngay trong chiều 1-7 tại trường. Đến nay đã hoàn thành khoảng 20% khối lượng công việc và sẽ bắt đầu chấm ngày 7-7.
Nhà trường huy động khoảng 25 giảng viên và 120 giáo viên các trường THPT chấm thi môn toán; môn văn khoảng 100 giáo viên các trường THPT; môn tiếng Anh (phần tự luận) khoảng 20 giảng viên và 80 giáo viên các trường THPT. Các môn trắc nghiệm quét bài thi tại trường. Dự kiến trường hoàn tất khâu chấm thi trước ngày 20-7.
Bài thi THPT Quốc gia được công an áp tải từ các tỉnh vè TP.HCM
TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết kết thúc từng môn thi, bài thi được vận chuyển về tại hội đồng trung tâm của Phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai. Sau đó toàn bộ bài thi được chuyển từ Gia Lai về TP.HCM trong ngày 5-7.
“Phương tiện vận chuyển là xe chuyên dụng của Bưu điện tỉnh Gia Lai, có lực lượng an ninh Công an tỉnh Gia Lai bảo vệ từ tỉnh Gia Lai về Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Lực lượng bảo vệ, an ninh được Công an Q.Thủ Đức, TP.HCM tăng cường, đảm bảo an toàn, an ninh cho bài thi. Từ ngày 6-7, triển khai công tác làm phách và xử lý bài thi (tự luận và trắc nghiệm). Các môn thi trắc nghiệm trường tự chấm. Từ ngày 9-7 trường bắt đầu chấm thi và dự kiến kết thúc trước 18-7” – ông Lý cho biết.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng vận chuyển bài thi về TP.HCM ngày 4-7, có công an áp tải. Công tác chấm thi sẽ được tổ chức tại trường. Sáng 5-7 ban làm phách sẽ triển khai công việc. Ngày 8-7 trường chấm thi và dự kiến đến 15-7 hoàn tất việc chấm để kiểm dò lại và nhập điểm để kịp tiến độ công bố của Bộ GD-ĐT.
Số lượng cán bộ chấm thi tổng cộng các môn tự luận khoảng 200, huy động giáo viên của trường, giáo viên các trường THPT tại TP.HCM và 50% giáo viên đến từ Tây Ninh. ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, cho biết trường sẽ đưa toàn bộ bài thi từ Đắk Nông về TP.HCM để chấm thi từ 6-7.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho hay ban làm phách của trường đã làm phách bài thi từng ngày (từ 2-7) tại Phan Thiết (Bình Thuận) và đưa bài thi vào TP.HCM chấm tại trường. Ban chỉ đạo cụm thi tỉnh Bình Thuận đã thống nhất không sử dụng giáo viên Bình Thuận chấm các môn tự luận.
“Trường đã có công văn gửi Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đề nghị hỗ trợ nhân lực chấm thi ở các trường THPT trên địa bàn Q.9, Q.Thủ Đức và Đồng Nai. Nhà trường đã thông báo cho cán bộ chấm thi lịch chấm thi dự định bắt đầu từ ngày 6-7, việc chấm thi hoàn toàn kết thúc dự định vào ngày 19-7” – ông Dũng cho biết.
Không bắt buộc điểm xét tuyển đợt sau sẽ không cao hơn đợt trước
Trong chuyến kiểm tra công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại các điểm thi ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã lưu ý các trường ĐH chủ trì cụm thi việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng mạng để đảm bảo việc công bố kết quả thi không bị nghẽn mạng. Bên cạnh đó, ông Ga cảnh báo các trường tình trạng ảo trong xét tuyển.
“Các trường phía Nam đều xét tuyển độc lập, không có nhóm xét tuyển chung nên cần tính toán kỹ tránh vượt chỉ tiêu. Để hỗ trợ các trường bớt tình trạng ảo, năm nay không quy định điểm đợt sau cao hơn đợt trước. Nếu đợt đầu không tuyển đủ các trường có quyền gọi tiếp các đợt tiếp theo đến khi đủ chỉ tiêu. Các trường không được gọi gấp đôi chỉ tiêu trong một đợt, nếu thí sinh nhập học hết sẽ vượt chỉ tiêu. Năm nay bộ kiểm soát rất chặt về chỉ tiêu” – ông Ga lưu ý.